Năm 2020, Hải Dương tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng bố trí phân tán, dàn trải; nâng cao công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm nhà thầu có năng lực; có biện pháp, chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao và giải ngân vốn.
Đây là một những nhiệm vụ được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương nêu lên trong buổi làm việc ngày 9/12 với Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, kế hoạch năm 2020; tình hình thực hiện đầu tư công năm 2019 và dự kiến kế hoạch năm 2020...
Bên cạnh việc thực hiện tốt Luật Đầu tư công, Hải Dương tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện các dự án theo đúng kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư.
Tỉnh còn tập trung mở rộng các hình thức đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư; thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư và xã hội hóa các dịch vụ công cộng nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Tỉnh cũng tiếp tục quản lý và khai thác tốt các nguồn thu; đẩy mạnh xử lý đất dôi dư, xen kẹp và đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn vốn hoàn thành kế hoạch năm 2020 và đầu tư cho các công trình xây dựng nông thôn mới, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản...
Hải Dương tiếp tục đẩy nhanh xây dựng đề án Chính phủ điện tử, xây dựng đô thị thông minh...
[Vĩnh Phúc: Đề xuất điều chỉnh tăng, giảm vốn nhiều dự án đầu tư công]
Tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục có những phân tích đánh giá sâu, sát hơn và có những dự báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Hải Dương trong những năm tới.
Đồng thời, Sở cần có những phân tích, đánh giá những chỉ số phát triển kinh tế-xã hội còn chưa đạt được như kế hoạch, nhất là đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương để có những giải pháp mang tính khả thi, bứt phá trong năm 2020.
Đối với thực hiện kế hoạch đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá, rà soát lại danh mục các dự án đầu tư; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương phân bổ vốn đầu tư công năm 2020 theo đúng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện đầu tư dự án và giải ngân kế hoạch năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định giao chi tiết của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, cho biết năm 2020, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước là gần 3.600 tỷ đồng, tăng trên 926 tỷ đồng so với kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019.
Trong số đó, vốn đầu tư ngân sách địa phương trên 2.800 tỷ đồng, tăng trên 640 tỷ đồng so với năm 2019; nguồn vốn ngân sách trung ương trên 776 tỷ đồng (gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ), tăng trên 286 tỷ so với kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019.
Để hoàn thành kế hoạch trên, lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tập trung thực hiện đầu tư dự án, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2019 trở về trước cần khẩn trương nghiệm thu quyết toán, hoàn tất thủ tục trình phê duyệt quyết toán; đối với các dự án được giao vốn năm 2020 phải thực hiện thanh toán, giải ngân hết kế hoạch vốn xong trước tháng 6; đối với dự án chuyển tiếp, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định, tổ chức thi công ngay sau khi được giao vốn và sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán, bảo đảm dự án không phát sinh tăng nợ khối lượng xây dựng cơ bản; đối với dự án khởi công mới, chủ đầu tư cần tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu ngay sau khi có quyết định giao vốn và khởi công dự án trong quý 2/2020...
Chính quyền các địa phương trong tỉnh cần tập trung phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công, tổ chức đầu tư các dự án theo đúng quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ dự án; tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, giám sát cấp xã rà soát, thực hiện giãn, hoãn tiến độ đầu tư và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020 của một số dự án chưa thực sự cấp bách để bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; gắn triển khai các dự án đầu tư và lập kế hoạch đầu tư năm 2020 trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tính đến hết tháng 11/2019, tổng vốn đầu tư công theo kế hoạch thanh toán năm 2019 của Hải Dương là trên 5.410 tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách trung ương trên 697 tỷ đồng; vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên 4.712 tỷ đồng, trong đó, vốn kế hoạch năm 2019 trên 4.561 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với kế hoạch giao đầu năm.
Năm 2019, ước tổng giá trị khối lượng thực hiện phần vốn ngân sách trung ương khoảng 413 tỷ đồng và giải ngân đạt 82,1% kế hoạch vốn thanh toán.
Vốn cân đối trong ngân sách địa phương đã đạt khối lượng thực hiện khá cao, cụ thể: vốn cấp huyện, xã ước tổng giá trị khối lượng thực hiện khoảng 2.500 tỷ đồng và giải ngân đạt 95,5% kế hoạch vốn thanh toán; vốn cấp tỉnh đạt khoảng 1.124 tỷ đồng và giải ngân đạt 92,3% kế hoạch vốn thanh toán./.