Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hải Dương đang diễn biến phức tạp, đại diện Sở Y tế Hải Dương nhận định, số bệnh nhân mắc COVID-19 trong tỉnh có thể tăng nhanh trong thời gian tới, tuy nhiên nhân lực y tế của các cơ sở điều trị không đáp ứng được khi số lượng bệnh nhân lớn.
Việc chi viện nhân lực cho các vùng dịch và các cơ sở điều trị (tuyến đầu) đang là nhiệm vụ được ngành y tế khẩn trương triển khai.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 1/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 17 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Hải Dương lên 205 ca.
Từ tâm dịch Chí Linh, dịch đã lan ra 6 đơn vị cấp huyện gồm Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành, Cẩm Giàng, Ninh Giang và thành phố Hải Dương.
Nhiều nơi, đặc biệt là tâm dịch Chí Linh đang thiếu nhân viên y tế làm nhiệm vụ việc lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước tình hình này, Sở Y tế Hải Dương đã có văn bản gửi các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đề nghị tuyên truyền, vận động cán bộ sẵn sàng tăng cường cho công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu.
Những ngày qua, đã có một số y bác sỹ, nhân viên y tế được tăng cường về vùng dịch Chí Linh tham gia hỗ trợ truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
[Nhiều khả năng ổ dịch ở Hải Dương là do biến chủng B.1.1.7 gây ra]
Gác lại những lo toan thường nhật cho cuộc sống gia đình, chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ Trạm Y tế phường Nguyễn Trãi (thành phố Hải Dương) đã hăng hái lên đường tham gia đợt 1 huy động tăng cường hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm ở thành phố Chí Linh.
“May mắn cho tôi là được gia đình ủng hộ. Bố mẹ đều làm ngành y nên rất chia sẻ, thông cảm và đỡ đần việc nhà. Các con tôi được rèn tính tự lập từ bé nên tôi đi tăng cường chống dịch rất yên tâm. Trong quá trình làm việc tại các vùng dịch, tôi luôn chú ý vừa bảo đảm sức khỏe vừa nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu trong thời gian tới, dịch bệnh diễn biến phức tạp thêm thì tôi vẫn luôn trong tinh thần sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào có điện thoại điều động của ngành,” chị Phượng chia sẻ.
Trạm Y tế phường Nguyễn Trãi hiện có 6 cán bộ, nhân viên, trong đợt này đã có 4 người tăng cường cho tuyến đầu chống dịch. Chị Phượng là một trong hai nhân viên được tập huấn về chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm, còn 2 nhân viên khác đang luân phiên tăng cường tại các khu cách ly tập trung.
Bác sỹ Nguyễn Huy Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Trãi cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh lây lan nhanh, khi có nhân viên đi chi viện cho tiền phương, ở hậu phương cũng rất nhiều việc chuyên môn, tuy nhiên chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, gánh vác, hỗ trợ công việc lẫn nhau để những người được điều động đi tăng cường yên tâm công tác. Khi cần, trạm huy động thêm lực lượng cộng tác viên y tế ở khu dân cư tham gia các hoạt động phòng, chống dịch tại cơ sở."
Với tinh thần “chia lửa” với tiền phương chống dịch COVID-19, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương là một đơn vị nhanh nhất có danh sách y bác sỹ sẵn sàng chi viện theo lệnh điều động của ngành y tế. Đã có 30 y bác sỹ đăng ký danh sách tình nguyện đi tăng cường.
Bác sỹ Phạm Văn Huấn, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương cho biết: “Chúng tôi luôn xác định nhân viên y tế sẽ là lực lượng tuyến đầu nên với các y bác sỹ tại bệnh viện, tinh thần ủng hộ và chi viện cho công tác phòng chống dịch là công việc thường xuyên.”
Theo bác sỹ Huấn, xác định dịch bùng phát phức tạp, số lượng bệnh nhân mắc trong cộng đồng có thể sẽ tăng nhanh, ngành y tế rất cần tăng cường nhân lực nên ngay sau khi nhận được văn bản của Sở Y tế Hải Dương, Bệnh viện đã triển khai ngay tới toàn bộ cán bộ, nhân viên và rất nhanh chóng lập được danh sách 30 người sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Lực lượng này được chia thành 3 tổ, mỗi tổ đều có bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và dược sỹ.
Hiện đã có 1 đoàn cán bộ tham gia hỗ trợ điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2, đặt tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. “Anh em lên đường chi viện cho tuyến đầu chống dịch đúng vào dịp giáp Tết, nên khi đã đăng ký, mỗi cán bộ, y bác sỹ đều tự xác định sẽ phải đón Tết trong bệnh viện. Điều đáng mừng và đáng trân trọng là nhiều anh em đã có gia đình nhưng tinh thần trách nhiệm rất cao, thái độ nhiệt tình, vui vẻ, khẩn trương lên đường,” bác sỹ Huấn cho biết.
Để khích lệ và động viên các cán bộ đi tăng cường chống dịch, trước khi đoàn lên đường, lãnh đạo bệnh viện đã trực tiếp gặp gỡ, động viên và nhắc nhở cán bộ, các y, bác sỹ chấp hành kỷ luật tại nơi đến tăng cường để vừa an toàn sức khỏe cho chính mình vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn tốt nhất, góp phần sớm chiến thắng dịch bệnh.
Theo Sở Y tế Hải Dương, các bệnh viện và trung tâm y tế trong tỉnh đã gửi danh sách các y bác sỹ, nhân viên y tế sẵn sàng tăng cường chống dịch. Sở đã tập hợp được danh sách gồm 56 bác sỹ, 88 điều dưỡng, 17 dược sỹ và 34 nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn sẵn sàng để chi viện.
Đến chiều 2/2, đã có 2 bác sỹ, 4 dược sỹ, 4 điều dưỡng đến hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2. Đồng thời, có 9 bác sỹ, 11 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên đã được tăng cường lên vùng dịch Chí Linh hỗ trợ phòng, chống dịch. Chưa kể, hàng chục nhân viên đã được điều động luân phiên đi các vùng dịch lấy mẫu xét nghiệm suốt những ngày qua.
Tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh vào ngày 1/2, khi đề cập đến một số vấn đề cần tháo gỡ trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn hiện nay, vấn đề chi viện nhân lực y tế cho tâm dịch Chí Linh cũng được Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề cập đến.
Ông Phạm Xuân Thăng yêu cầu Sở Y tế cần huy động tất cả bệnh viện tuyến tỉnh cử bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch và phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách. Sở cũng cần lập danh sách các bác sỹ nghỉ hưu để sẵn sàng huy động khi thiếu lực lượng./.