Hải Dương: Sản lượng vải xuất khẩu năm 2023 dự kiến chiếm trên 50%

Tính đến thời điểm hiện nay, sản lượng thu hoạch vải Hải Dương đã đạt khoảng 32.000 tấn, trong đó, 13.000 tấn được xuất khẩu Trung Quốc và khoảng 3.000 tấn xuất khẩu đi Nhật Bản.
Hải Dương: Sản lượng vải xuất khẩu năm 2023 dự kiến chiếm trên 50% ảnh 1Sơ chế, đóng gói vải trước khi xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Sáng 9/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà tổ chức sự kiện công bố xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu năm 2023 và sự kiện “Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách.”

Vụ vải năm nay, lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, do Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam cung cấp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, sản lượng vải xuất khẩu của Hải Dương năm 2023 dự kiến chiếm trên 50%; trong đó, đặc biệt, lượng vải thiều Thanh Hà xuất khẩu ngày càng tăng qua các thị trường truyền thống là Trung Quốc, các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia.

Tính đến thời điểm hiện nay, sản lượng thu hoạch vải Hải Dương đã đạt khoảng 32.000 tấn, đạt hơn 50% kế hoạch; trong đó, 13.000 tấn được xuất khẩu Trung Quốc và khoảng 3.000 tấn xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ và Australia.

[Bắc Giang phấn đấu xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ]

Nhiều doanh nghiệp đã sớm chủ động đồng hành cùng bà con nông dân để khảo sát, thu mua và xuất khẩu.

Hải Dương: Sản lượng vải xuất khẩu năm 2023 dự kiến chiếm trên 50% ảnh 2Bấm nút xuất khẩu thiều Thanh Hà bay đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam- đơn vị đã xuất khẩu 20 mặt hàng nông sản, trong đó có vải thiều Thanh Hà cho biết, công ty cam kết thu mua vải với giá ổn định từ nay đến hết vụ là 25.000 đồng/kg.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp cũng sẽ cùng bà con nông dân tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định để gia tăng sản lượng xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Là một trong những hộ sản xuất thuộc tổ sản xuất số 6 VietGAP của xã Thanh Xá, thủ phủ vải thiều Thanh Hà, chị Quách Thị Phượng rất phấn khởi cho biết: “Việc tiêu thụ và xuất khẩu những năm gần đây thuận lợi hơn nên bà con chúng tôi rất tích cực chăm bón theo đúng yêu cầu xuất khẩu. Sản lượng giảm so với mọi năm nhưng chất lượng, mẫu mã vải năm nay không thua kém các năm trước. Vải rất đẹp và ngon. Đến nay chúng tôi đã thu hoạch được khoảng 30%. Hy vọng từ nay đến cuối vụ giá vẫn ổn định.”

Ngành nông nghiệp Hải Dương đã tích cực kết nối các doanh nghiệp với các vùng trồng đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu. Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực hỗ trợ các chuyên gia đến khảo sát vùng trồng nên việc xuất khẩu đã triển khai sớm hơn.

Các đơn hàng sang thị trường có giá trị kinh tế cao có yêu cầu rất khắt khe trong đó có điều kiện về cơ sở đóng gói. Hiện các cơ sở đã được cấp phép và đạt chuẩn đang hoạt động với công suất tối đa.

Tỉnh Hải Dương cũng đang khuyến khích và hỗ trợ để có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cũng như các doanh nghiệp hiện tại mở rộng quy mô sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định, tỉnh cam kết tạo thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, an ninh, trật tự, giao thông, bến bãi, dịch vụ … cho các doanh nghiệp tiêu thụ vải.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Thanh Hà tập trung hướng dẫn người dân thu hoạch đảm bảo chất lượng, đồng thời tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và thương lái thu mua vải dễ dàng, thuận tiện.

Lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn các công ty cổ phần dịch vụ suất ăn hàng không giới thiệu đặc sản vải Thanh Hà tới với nhiều hành khách trên các chuyến bay.

Với việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách,” năm nay là lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được cung cấp trong suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Ông Dương Tiến Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam cho biết doanh nghiệp rất vui mừng khi được đồng hành quảng bá, giới thiệu đặc sản quả vải Thanh Hà đến với ngày càng nhiều hành khách trong nước và quốc tế và khẳng định từ nay về sau doanh nghiệp sẽ quan tâm giới thiệu nhiều hơn các mặt hàng đặc sản của Hải Dương và các địa phương trên các chuyến bay.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh trên 8.800ha vải, tập trung tại Thanh Hà và Chí Linh; trong đó 70% vải chính vụ. Có 5 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP.

Sản lượng vải toàn tỉnh trên 60.000 tấn; trong đó vải thiều Thanh Hà khoảng 40.000 tấn. Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng, 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu.

Vải thiều chính vụ Hải Dương đang được thu hoạch tới hết tháng 6/2023. Giá vải sớm 80.000-100.000 đồng/kg và hiện tại vải thiều dao động tầm 20.000 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục