Không chịu lệ thuộc vào một thị trường, vải thiều Hải Dương đang nỗ chuyển hướng tìm đầu ra không chỉ tại thị trường lân cận, mà còn mở rộng thêm các thị trường phía Nam cũng như thị trường xuất khẩu thông qua phương thức đổi mới kinh doanh.
Được mùa, rớt giá
Ông Mai Văn Hội, Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, hiện tỉnh có 11.000ha vải thiểu với sản lượng khoảng 50.000 tấn. Thời gian qua, do thời gian thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 2 tuần khiến đầu ra của sản phẩm này gặp khó khăn khiến giá vải giảm nhanh.
Với khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ trong nước, chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; số còn lại xuất khẩu quả tươi hoặc qua chế biến sang các thị trường Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia…
Lâu nay, mỗi khi vải được mùa không ít người trồng lo lắng về đầu ra của sản phẩm này. Đặc biệt, mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, chính vụ, sản lượng vải thiều đưa ra thị trường cùng lúc rất lớn và trong thời gian ngắn khiến giá vải rớt giá nhanh. Trong khi đó, việc chế biến cũng như bảo quản quả vải hiện nay vẫn chưa tốt, chủ yếu là theo kinh nghiệm dân gian nên chỉ sau thời gian ngắn chất lượng bị giảm khiến giá trị giảm theo, ảnh hưởng lớn đến doanh thu.
Và đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, khiến điệp khúc "mất mùa được giá, được mùa mất giá" vẫn lập đi, lập lại khiến cho đời sống của người nông dân trồng vải vẫn bấp bênh.
Chị Trần Thị Hoa, ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương tâm sự: “Năm nay vải được mùa nhưng lại rớt giá. Nếu như vào thời điểm này năm ngoái vải thiều Thanh Hà bán tại vườn có giá khoảng 13.000 đồng/kg, thế nhưng năm nay vận chuyển đến tận nơi tiêu thụ như Hà Nội, Hải Phòng cũng chỉ có giá 10.000 đồng/kg.”
Theo chị Hoa, năm nay thương lái người Trung Quốc không tổ chức thu mua rầm rộ như mọi năm và họ luôn tìm mọi cách để "ép giá" mặt hàng này.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương, tỉnh cũng đã có nhiều động thái để giúp người nông dân tìm đầu ra cho vải thiều như tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại cho các sản phẩm vải, ổi, na; hỗ trợ một phần cho các hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; hỗ trợ một phần phân bón nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Tìm hướng ra ổn định
Nhằm tìm đầu ra ổn định cho quả vải, tránh tình trạng dồn ứ dẫn đến mất giá, vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra “Hội nghị tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông-Tây Nam Bộ 2014” do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội nghị đã mời các thương lái nông sản, các chợ đầu mối khu vực phía Nam tham dự. Tại hội nghị này, đã mở ra nhiều triển vọng cho vải thiều, cụ thể là đã ký kết được nguyên tắc phối hợp tiêu thụ quả vải giữa Hải Dương, Bắc Giang và 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ; ký kết thỏa thuận tiêu thụ vải thiều giữa huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà (Hải Dương) với các chợ đầu mối, doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, hội nghị cũng đã thảo luận về các nhóm giải pháp dài hạn liên quan đến công tác hợp tác đầu tư, sản xuất để tiêu thụ, công tác bảo quản, chế biến, công tác quản lý chất lượng vải thiều và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. “Chắc chắn, việc các bộ, ngành và các địa phương trong nước cùng chung tay vào cuộc, vải thiều sẽ có hướng ra ổn định trong thời gian tới," ông Mai Văn Hội đánh giá.
Phó Chủ tịch Ủyban Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cũng cho biết, tỉnh đã nhận được thông tin có doanh nghiệp đang tìm hiểu để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản quả vải. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng quy hoạch vùng vải thiều và từng bước trồng, chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn VietGap để đảm bảo chất lượng cho quả vải thiều. Trong những vụ tới, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân quảng bá, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho quả vải thiều.
Cũng tại hội nghị tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông-Tây Nam Bộ 2014, Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục thực hiện các chương trình nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản; đàm phán song phương và đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu cho quả vải thiều.../.