Một người dân ở khu vực xảy ra hiện tượng cá chết cho biết, không có chuyện cá chết trắng sông mà hiện tượng này xảy ra rải rác, do thời tiết diễn biến phức tạp cùng với việc ô nhiễm nguồn nước mặt khiến một số ao nuôi có hiện tượng cá chết vào ban đêm.
Trưa 16/7, dưới thời tiết nắng nóng đến gần 40 độ nhưng theo quan sát của phóng viên, tại khu vực sông Ấu, thuộc địa phận xóm 4 (thôn An Liệt, xã Thanh Hải) chỉ có rải rác xác cá nhỏ nổi dạt gần bờ, lẫn vào những đám bèo.
Dẫn chúng tôi đến khu vực gần trạm bơm của thôn, ông Phạm Khắc Nhanh, xóm trưởng xóm 4 cho biết ngày 14/7, xã mở trạm bơm để dẫn nước vào ruộng cung cấp nước phục vụ gieo cấy lúa mùa 2016.
Sau khi bơm một thời gian, cá mương (loại cá nhỏ có trong tự nhiên) và một số cá rô phi chết trôi theo dòng nước dạt vào đoạn gần cống thuộc khu vực trạm bơm này. Xóm đã báo cáo tình hình lên Ủy ban nhân dân xã.
"Theo nhận định của xã chúng tôi, lượng cá chết là không nhiều. Hình ảnh phát tán trên mạng là chỉ là một điểm dồn về cống nhưng trên thực tế thì không lớn như vậy và cũng không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương," ông Nhanh cho biết.
Theo ông Nhanh: “Cá chết có thể do nhiều nguyên nhân như: tại đây, người dân đã thả ấu trên 20 năm cho nên ấu thối của những năm trước dồn lại quá nhiều trong bùn. Chúng tôi cũng tìm hiểu thêm được biết, trước đó, một số hộ thả ấu đã phun thuốc để trừ sâu bệnh cho cây ấu nên có thể có một lượng cá nhỏ đã chết.”
Mặc dù lượng cá chết không nhiều nhưng những tác nhân khiến một số lượng cá tự nhiên trên sông Ấu bị chết đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán. Sau sự việc này, người dân An Liệt thêm lo lắng về việc ô nhiễm nguồn nước mặt ở nông thôn.
Ông Nhanh băn khoăn: “Chúng tôi thấy thực tế chung là nguồn nước ở nông thôn đang bị ô nhiễm. Không chỉ một tuyến sông này mà ở nhiều tuyến sông khác. Mức độ ô nhiễm như thế nào thì chúng tôi không nắm được nhưng chỉ biết trên thực tế, trước kia, những dòng sông nàycòn tắm được nhưng bây giờ thì không ai dám xuống tắm. Chúng tôi cũng mong các cấp, các ngành cần sớm có biện pháp để cải thiện nguồn nước.”
Huyện Tứ Kỳ, một trong những huyện có diện tích nuôi thủy sản lớn của tỉnh Hải Dương với diện tích trên 1.600ha. Tại một số vùng nuôi thủy sản tập trung ở đây cũng có hiện tượng cá chết rải rác.
Tại Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Văn Tố, đầu tháng 7, xảy ra hiện tượng cá chết ước gần 5 tấn cá, trong đó có cá trắm từ 4-5 kg. Cơ sở này lấy nguồn nước trực tiếp từ sông Đống (thuộc hệ thống trục sông Bắc Hưng Hải) để nuôi các loại cá truyền thống (cá trắm, chép, rô phi …) với diện tích khoảng 1 mẫu.
Chị Đặng Thị Yến, Giám đốc cơ sở chăn nuôi cho biết: “Theo kinh nghiệm chăn nuôi của tôi mấy chục năm trong nghề thì nguồn nước này đã bị ô nhiễm. Tôi cũng mong muốn các cấp ngành, các cấp chính quyền cần ngành quan tâm bảo vệ nguồn nước để những người chăn nuôi như chúng tôi tránh bị thiệt hại.”
Không riêng trường hợp gia đình chị Yến, cùng thời điểm đó, nhiều hộ chăn nuôi thủy sản tại các xã Tân Kỳ, Hà Thanh, Quang Phục, Quảng Nghiệp, Dân Chủ cũng chung tình trạng. Hiện tượng cá chết thường xuất hiện vào ban đêm, thời điểm khoảng 2-3 giờ sáng.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tứ Kỳ, toàn huyện có khoảng 35 tấn cá bị chết trong đợt thời tiết khắc nghiệt vừa qua.
Ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ nhận định: “Nguyên nhân cá chết, theo khảo sát của cơ quan chuyên môn là do mặt nước bị ô nhiễm mà các hộ dân không xử lý kịp thời. Cùng với đó, khi gặp thời tiết nắng nóng, các chất hữu cơ bị phân hủy đã làm ảnh hưởng đến lượng ôxy trong nước.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như vậy, cá cần một lượng ôxy rất lớn. Không những thế, lượng ôxy xuống thấp vào ban đêm, cùng với lượng tảo ở trong nước nhiều đã khiến cá bị thiếu ôxy nên thường chết vào khoảng 2 đên 3 giờ sáng.”
Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ đã khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật cho người dân như: tích cực tìm nguồn nước sạch thay thế nguồn nước đã bị ô nhiễm; tăng cường các máy sục khí, các máy quạt để tăng lượng ôxy trong nước, đặc biệt thời điểm 2-3 giờ đêm; kết hợp với sử dụng một số loại thuốc chuyên dụng để tăng hàm lượng ôxy trong nước.
Các cơ quan quản lý và các địa phương cũng đã tích cực kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước cấp cho các vùng chăn nuôi thủy sản tập trung. Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tình thế, để giải quyết triệt để tình trạng này cần những biện pháp dài hơi.
Ông Tính mong muốn nhà nước đầu tư kinh phí cho các hộ nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để phòng tránh được bệnh cho cá. Các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước cấp cho các vùng thủy sản tập trung.
Cần tăng cường kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nước hoặc đổ các loại thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống những nguồn nước cung cấp cho các vùng nuôi thủy sản tập trung. Đối với những hộ thiệt hại nặng, các cấp, các ngành nghiên cứu xem xét hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân.
Hiện nay, Hải Dương có khoảng trên 10.000ha nuôi trồng thủy sản với năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Có thể nói, việc nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét, là phương thức làm giàu của nhiều người dân nông thôn ở Hải Dương.
Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững, việc đảm bảo môi trường nước tránh khỏi sự ô nhiễm là điều sống còn cho ngành thủy sản trong những năm tiếp theo./.