Hải Dương không để công nhân trong các khu phong tỏa thiếu thốn

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị địa phương cần quan tâm đến đời sống người dân, đặc biệt là công nhân ở các khu vực phong tỏa, cách ly y tế, không được để công nhân bị đói, thiếu thốn.
Hải Dương không để công nhân trong các khu phong tỏa thiếu thốn ảnh 1Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương vận chuyển hàng ủng hộ công nhân ở Cẩm Giàng (Hải Dương). (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Việc thực hiện “phong tỏa trong phong tỏa” để phòng chống dịch COVID-19 những ngày qua khiến nhiều công nhân thuê trọ ở huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) phải chật vật xoay xở để duy trì cuộc sống.

Mới đây, trong chuyến kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng sáng 21/2, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề nghị địa phương cần quan tâm đến đời sống người dân, đặc biệt là công nhân ở các khu vực phong tỏa, cách ly y tế, không được để công nhân bị đói, thiếu thốn.

Chính quyền, đoàn thể “tiếp tế”

Huyện Cẩm Giàng có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp với trên 60.000 công nhân lao động đang làm việc tại đây.

Công nhân thuê trọ rải rác ở khắp các xã, thị trấn trong huyện, tập trung ở thị trấn Lai Cách, các xã Cẩm Điền, Cẩm Phúc, Tân Trường.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, họ đang đối mặt với nhiều khó khăn, chật vật lo từng bữa ăn.

[Hải Dương có thêm nhiều thôn, khu dân cư kết thúc cách ly y tế]

Cũng như nhiều công nhân tại các khu công nghiệp ở huyện Cẩm Giàng, chị Vũ Thị Thương, quê ở Quảng Ninh phải cách ly tại phòng trọ ở thị trấn Lai Cách từ nhiều ngày nay.

Chị Thương thở dài: “Ảnh hưởng dịch bệnh nên công ty em chưa mở lại, chúng em cũng chưa được đi làm nhưng ngày ngày vẫn phải trả tiền thuê trọ, chi tiêu sinh hoạt nên cuộc sống rất khó khăn.”

Cũng chung cảnh ngộ công nhân trọ tại thị trấn Lai Cách, anh Hà Văn Linh cho biết: “Dịch bệnh như thế này bọn em không đi làm được, cả ngày ở trong nhà không ra đường, không đi chợ, khó khăn lắm, cũng đang phải tìm cách khắc phục thôi.”

Thị trấn Lai Cách có khoảng 18.000 dân, trong đó gần 3.000 công nhân lao động ở trọ. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Bí thư Đảng ủy thị trấn, những ngày qua, thị trấn đã giao cho trên 70 Tổ covid cộng đồng nắm thông tin đời sống sinh hoạt trong các khu dân cư, khu trọ để kịp thời hỗ trợ gạo, thực phẩm cho người dân và công nhân ở trọ tại những nơi đang phong tỏa.

“Những ngày qua, Hội phụ nữ thị trấn cũng kêu gọi được từ nhiều nguồn để hỗ trợ cho công nhân thuê trọ như gạo, mỳ, rau củ, trứng, nước uống...”, bà Lưu Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Lai Cách cho biết.

Trên địa bàn huyện nói chung, theo ông Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Giàng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc huyện chủ trì tiếp nhận nguồn ủng hộ, cùng Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động huyện và Cựu chiến binh phân bổ hàng cứu trợ tới người dân và công nhân ở trọ.

Hải Dương không để công nhân trong các khu phong tỏa thiếu thốn ảnh 2Nhóm Thiện nguyện Đại An trao thực phẩm cứu trợ cho công nhân thuê trọ tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Ước tính, đến nay Mặt trận Tổ quốc huyện đã tiếp nhận khoảng 3,6 tỷ đồng và nhiều nhu yếu phẩm như 8 tấn gạo, 100 tấn rau củ quả, 30.000 quả trứng, 150.000 khẩu trang, 50.000 chai nước sát khuẩn… ủng hộ huyện phòng, chống dịch COVID-19.

Các cấp công đoàn tỉnh Hải Dương những ngày qua đã tích cực triển khai nhiều hoạt động quan tâm chăm lo cho những công nhân lao động khu nhà trọ, đặc biệt là ở huyện Cẩm Giàng.

Ông Hoàng Quang Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Giàng cho biết: Kể từ khi Cẩm Giàng phong tỏa, Liên đoàn Lao động huyện đã được tiếp nhận nhiều hàng hóa hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động các huyện chuyển về. Cùng với đó, Liên đoàn Lao động huyện cũng tiếp nhận phân bổ nguồn từ Mặt trận Tổ quốc huyện.

Hàng hóa được chuyển tới trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở tại đây phối hợp với xã để chuyển đến từng nhà trọ cho công nhân đã có tên trong danh sách, đảm bảo công nhân không phải tập trung đông người, đáp ứng tiêu chí phòng, chống dịch bệnh.

Ước tính hiện có trên 10.000 công nhân lao động khó khăn đang thuê trọ tại Cẩm Giàng cần được hỗ trợ.

Tính đến ngày 22/2, Liên đoàn Lao động huyện đã tiếp nhận và trao 750 suất quà tới các công nhân đang trọ tại các xã Cẩm Phúc, Cẩm Điền, Tân Trường, Lai Cách với tổng khoảng 18 tấn rau củ quả và 3,8 tấn gạo.

Trước mắt, việc hỗ trợ sẽ ưu tiên các công nhân trọ trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế. Những ngày tới, Liên đoàn Lao động huyện tiếp tục hỗ trợ công nhân trọ ở các khu vực khác.

Công nhân giúp nhau trong mùa dịch

Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, một số cá nhân và nhóm thiện nguyện của người lao động trong các khu công nghiệp ở Cẩm Giàng cũng đã chung sức kêu gọi nguồn lực, giúp đỡ những công nhân khó khăn.

Anh Phạm Khắc Duy, Trưởng Nhóm thiện nguyện Đại An, chia sẻ: “Mấy hôm nay, cũng đã có những chuyến hàng từ thị trấn chở đến cấp phát cho bà con nhân dân nhưng vẫn còn nhiều công nhân đang thiếu lương thực, thực phẩm. Thấy vậy, Nhóm kêu gọi ủng hộ từ các nơi, mong có thể giúp nhiều anh chị em công nhân hơn.”

Những ngày qua, anh Duy và khoảng 10 người bạn trong Nhóm tất bật vừa huy động nguồn lực vừa điều phối các suất hỗ trợ.

Sau 3 ngày, Nhóm đã quyên góp được trên 50 triệu đồng cùng nhiều hàng hóa. Vì trong điều kiện phong tỏa, công nhân không được ra ngoài đường nên Nhóm đã gọi điện các đại lý chở thực phẩm đến điểm tập kết hàng ở đầu chốt kiểm soát.

Được sự cho phép của các trưởng thôn, khu dân cư, các nhóm trưởng phụ trách khu vực sẽ mang xe kéo đến lấy hàng về thôn mình, sau đó, có 3 hoặc 4 công nhân ở các khu trọ tiếp tục đưa hàng cứu trợ tới từng dãy trọ cho công nhân.

Trước mắt, Nhóm tập trung hỗ trợ những người trọ tại thị trấn Lai Cách. Chỉ trong ngày 22/2, Nhóm đã phát được 700 suất quà gồm gạo, rau củ, trứng và mì tôm.

Căn cứ vào nhu cầu của công nhân ngày càng tăng, Nhóm dự định sẽ mở rộng phạm vi trao quà tới công nhân trọ ở các xã khác như Tân Trường, Mao Điền, Phúc Điền.

Để làm được điều đó, mỗi vùng sẽ có một người quản lý chung, Nhóm chọn 3-4 người là tổ trưởng.

Theo đầu mối từng xóm trọ, danh sách công nhân, nhu cầu được tập hợp; từ đó, Nhóm sẽ cân đối nguồn lực để phân bổ. Những công nhân đi nhận hàng đều phải chấp hành nghiêm quy định giãn cách và phòng dịch.

Tăng giám sát, tuyên truyền cho công nhân

Tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng sáng 21/2, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề nghị địa phương cần quan tâm đến đời sống người dân, công nhân, người lao động trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu địa phương tăng thêm Tổ COVID-19 cộng đồng, ưu tiên những nơi mật độ dân đông, đảm bảo mỗi tổ phụ trách 50 đến 60 gia đình.

“Nếu địa phương khó khăn về nguồn lực, cần kịp thời báo cáo lên huyện để được hỗ trợ,” ông Thăng nhấn mạnh.

Song song với chăm lo đời sống công nhân thuê trọ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Công an địa phương cần tăng cường bám sát các xóm trọ, chủ trọ; nắm rõ danh sách công nhân thuê trọ để phục vụ công tác truy vết các trường hợp liên quan đến các ca mắc COVID-19 khi cần.

Đồng thời, lực lượng chức năng cần giám sát, tuyên truyền người dân, công nhân nâng cao ý thức chấp hành quy định phòng chống dịch, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục