Hải Dương vốn nổi tiếng với đảo cò ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện nhưng không phải ai cũng biết ở tỉnh Hải Dương còn có một vườn cò ở ngay giữa khu dân cư.
Đó là vườn cò của ông Nguyễn Huy Xuyên, nằm ngay trong khu dân cư La Văn Cầu, cách trung tâm huyện Nam Sách khoảng 2km.
Ông Xuyên cho biết vườn cò có diện tích 1,4ha, hiện có khoảng 5-6 giống cò sinh sống, trong đó, cò bợ, một giống cò bản địa là chủ yếu. Trong vườn còn có một số loại cò quý hiếm trong sách đỏ như cò nhạn và cò lửa.
Chia sẻ về vườn cò độc đáo này, ông Xuyên cho biết gia đình ông chuyển về đây được 10 năm. Khoảng 5-6 năm trở lại đây bắt đầu có cò về sinh sống. Khi thấy đàn cò xuất hiện và trú ngụ trong vườn nhà mình, gia đình ông đã cải tạo từ khu vực ruộng trũng thành trang trại, trồng thêm cây tre, đào hào xung quanh để bảo vệ và tạo môi trường nước cho cò sinh sống. Từ đó cò về ngày một nhiều hơn và hiện đàn cò đã lên tới hàng nghìn con.
Thời gian đầu, khi thấy có đàn cò, nhiều người dân đến săn bắn, bắt cò và xua đuổi cò vì vậy rất khó bảo vệ. Trước nguy cơ đó, gia đình ông đã đầu tư tiền của xây dựng tường bao quanh và tuyên truyền cho người dân trong khu phố để không đến săn, bắn và đuổi bắt cò.
Để bảo vệ khu vực sinh sống của cò, ông Xuyên còn trồng thêm nhiều cây ăn quả xung quanh để tạo môi trường và tạo hàng rào để bảo vệ đàn cò. Từ khi được bảo vệ, cò về ngày một đông, cò làm tổ trên cây, dưới đất, sát mặt nước và sinh sôi ngày một nhiều. Trung bình một tổ cò có từ 4-6 con cò con.
Dần dần người dân sống quanh khu vực đã hiểu hơn về tình yêu của ông Xuyên với cò, vì vậy họ đã chung tay cùng ông bảo vệ đàn cò.
Ông Ngô Công Ngọc, Trưởng khu dân cư La Văn Cầu, thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách) rất tự hào vì có vườn cò trong khu dân cư. Để bảo tồn đàn cò, khu dân cư đã chủ động vận động người dân không vào săn bắn, đồng thời vận động người dân làm nông nghiệp xung quanh khu vực đàn cò sinh sống hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Người dân trong thôn còn dự định làm một tuyến đường bêtông xung quanh khu vực có nhiều cò sinh sống.
Mỗi ngày, vườn cò đón hàng nghìn con cò bay về đây trú ngụ.
Ông Xuyên mong muốn vườn cò sẽ là điểm đến - nơi giáo dục tình yêu với thiên nhiên không chỉ cho thế hệ trẻ mà còn là nơi để các nhà khoa học có thể tìm hiểu, nghiên cứu thêm về cò và có những giải pháp để bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đem lại môi trường sống ngày một trong lành./.