Hải Dương đã có một vụ vải thiều năm 2020 thắng lợi

Hải Dương đã có một vụ vải thiều năm 2020 thắng lợi trên nhiều phương diện, mở ra nhiều cơ hội cho trái vải trong hành trình khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 ấm cộng với dịch bệnh COVID-19 đã khiến sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, Hải Dương đã có một vụ vải thiều năm 2020 thắng lợi trên nhiều phương diện, mở ra nhiều cơ hội cho trái vải trong hành trình khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị trong những năm tiếp theo.

Xuất khẩu tăng mạnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tổng sản lượng vải toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 43.000 tấn, trong đó 23.000 tấn vải sớm khoảng 20.000 tấn vải thiều. Lượng vải tiêu thụ trong nước ước khoảng 50%, còn lại là được xuất khẩu. Tổng giá trị thực tế quả vải năm 2020 đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2019.

Giá bán vải dao động từ 18.000-55.000 đồng/kg tại vườn, giá vải trung bình toàn vụ khoảng 30.000 đồng/kg. Riêng vùng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán luôn cao ổn định từ 30.000-40.000 đồng/kg, cao hơn vải thông thường từ 10-30% cùng thời điếm mua.

Sản lượng vải Hải Dương xuất khẩu năm nay tăng mạnh so với những năm trước, đặc biệt là theo đường biển. Hàng loạt doanh nghiệp, siêu thị, thương nhân về Hải Dương thu mua và tiêu thụ vải; trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đưa trái vải đến các thị trường nổi tiếng khó tính với những rào cản kỹ thuật khắt khe.

Đặc biệt, vải thiều Hải Dương đã mở cửa thành công 2 thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Hải Dương với thị trường quốc tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thống kê cho thấy, niên vụ vải 2020, Hải Dương có khoảng 1.600 tấn vải được xuất sang các thị trường khó tính, tăng khoảng 1.400 tấn so với năm 2017 và tăng khoảng 1.000 tấn so với năm 2019. Cụ thể, khoảng 500 tấn vải tươi đã chinh phục thành công thị trường Nhật Bản, Singapore, Mỹ, châu Âu, Australia. Vải cấp đông nguyên quả và long vải cấp đông xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) ước đạt 650 tấn. Vải xuất sang Trung Đông, Thái Lan, Malaysia… đạt khoảng 450 tấn.

Cùng với đó, nhờ làm đẩy mạnh quảng bá sớm từ đầu vụ nên tiêu thụ trong nước cũng thuận lợi và giá vải bán cao hơn so với những năm trước. Khoảng 1.000 tấn vải được tiêu thụ thông qua các hệ thống siêu thị bán lẻ. Đặc biệt, giá vải Thanh Hà – Hải Dương luôn cao hơn vải các nơi khác từ 10.000-15.000 đồng/kg ở cùng thời điểm thu mua.

Làm chủ quy trình kỹ thuật sản xuất

Hiện Hải Dương có diện tích trên 9.700ha vải, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà với 3.600ha và Chí Linh 3.900ha. Niên vụ vải 2020, toàn tỉnh có 23 vùng vải, nhãn được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng. Huyện Thanh Hà có 17 vùng vải tương ứng 155,3ha và thành phố Chí Linh có 6 vùng, tương ứng với 64,7ha, trong đó, 4ha nhãn.

Những con số ấn tượng về xuất khẩu như vừa qua đã minh chứng và khẳng định hướng đi và quy trình sản xuất, chăm sóc, cách giám sát quản lý vùng trồng của ngành nông nghiệp Hải Dương. Sau khi có những hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Hải Dương đã nghiên cứu, ban hành hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho vùng vải xuất khẩu quốc tế.

[Tỉnh Hải Dương xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản]

Cùng với đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương đã phối hợp với cán bộ nông nghiệp huyện cùng đơn vị tư vấn VietGAP tập huấn, hướng dẫn cho các hộ thuộc vùng trồng được cấp mã số.

Để quả vải Hải Dương chinh phục thành công thị trường khó tính là kết quả của một quy trình được tuân thủ nghiêm ngặt. Cán bộ kỹ thuật trực tiếp bám sát vùng trồng, tổ chức thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái; thử nghiệm các loại thuốc bảo vệ thực vật để đánh giá hiệu lực của thuốc; phân tích dư lượng thuốc sau phun để hướng dẫn nông dân sử dụng và cách ly thuốc trước thu hoạch đảm bảo yêu cầu; định kỳ lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.

Gia đình anh Phạm Văn Giang, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà có 7.000m2 trồng vải, niên vụ 2020, anh là một trong những hộ dân thuộc vùng vải được tỉnh quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế.

Sau thành công của vụ vải vừa rồi, anh Giang đúc kết: "Vải trồng theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu vừa phun ít thuốc bảo vệ thực vật hơn lại giảm chi phí đầu vào, được doanh nghiệp ký bao tiêu xuất khẩu nên không lo đầu ra. Nếu như thời điểm gần cuối vụ của năm 2019, vải thiều Thanh Hà chỉ dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thì năm nay đã tăng lên mức 30.000-35.000 đồng/kg.

Có thời điểm, rất nhiều doanh nghiệp về tận vườn, sẵn sàng trả giá cao nhưng không có vải mà bán. Rõ ràng chỉ cần sản xuất vải sạch, đáp ứng mọi tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường khó tính thì không lo giá bán, sản lượng bao nhiêu cũng hết".

Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, lâu nay, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn là rào cản lớn nhất cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam; trong đó có trái vải Hải Dương.

Chính vì thế, việc Hải Dương làm chủ được quy trình kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật, giám sát vùng trồng vải như vừa qua là khâu then chốt làm nên thành công trong xuất khẩu vải niên vụ 2020. Từ nay, ngành nông nghiệp Hải Dương tự tin có thể chỉ đạo việc sản xuất vải đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trong những năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục