Hải Dương chú trọng nâng cao chất lượng quả vải xuất khẩu

Năm 2021, tỉnh Hải Dương có 450ha quả vải đạt tiêu chuẩn quốc tế, với sản lượng dự kiến khoảng 2.500 tấn. Hiện đã có doanh nghiệp thu mua 600 tấn vải xuất đi Nhật Bản, Australia, Malaysia, EU.
Cơ quan chức năng kiểm tra việc thu hái vải thiều ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà xuất khẩu đi Nhật Bản. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Nhằm nâng cao chất lượng quả vải xuất khẩu, năm 2021 tỉnh Hải Dương đặc biệt chú trọng các biện pháp như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và giám sát các vùng trồng, tăng cường quản lý đội ngũ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại cơ sở.

Mở rộng vùng sản xuất

Tháng 4, vườn vải của gia đình anh Trịnh Xuân Cường ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà đang trong thời kỳ ra quả non. Gia đình anh Cường có 1ha trồng vải. Năm nay, gia đình anh là 1 trong 144 hộ của xã thuộc mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn Global GAP đáp ứng tiêu chí xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Anh Cường cho biết ngay từ đầu vụ, anh được hướng dẫn rất cụ thể các bước, quy trình để chăm sóc quả vải đủ tiêu chuẩn sang thị trường khó tính và tuân thủ nghiêm ngặt. Nhận định tình hình thời tiết như hiện nay, dự kiến sản lượng vải năm 2021 của gia đình sẽ được khoảng 15 tấn.

Theo ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Cường, xã Thanh Cường có 240ha trồng vải riêng năm nay xã có 21ha vải trong mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

"Làm vải xuất khẩu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Ủy ban nhân dân xã đã giao cho hợp tác xã tập huấn, khuyến cáo cho bà con tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về kỹ thuật từ vệ sinh vườn vải, để các bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định đến việc chăm sóc, phun phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng các loại thuốc đảm bảo tiêu chuẩn để khi quả vải ra thị trường đạt được chất lượng cao nhất," ông Hùng chia sẻ.

[Hải Dương đã có một vụ vải thiều năm 2020 thắng lợi]

Diện tích vải của huyện Thanh Hà hiện có khoảng trên 3.300ha. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà cho biết, năm nay diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính tăng cao hơn năm ngoái. Vì vậy, huyện đã xây dựng quy hoạch 34 vùng vải với diện tích 400ha sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản, Singapore, Australia.

Cụ thể, 34 vùng trồng này tập trung tại 6 xã Thanh Cường, Thanh Quang, Thanh Hồng, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xá. Ngay từ đầu vụ, Thanh Hà đã tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn cho người sản xuất, cán bộ cơ sở và các đơn vị và cá nhân cung ứng thuốc bảo vệ thực vật về các tiêu chuẩn, quy định của các nước EU, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với trái cây nhập khẩu.

Cùng với đó, huyện cũng tăng cường thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại cho quả vải. Đến nay, Thanh Hà đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc vải cho khoảng 3.400 hộ dân, 83 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, 89 cán bộ cấp cơ sở về liên quan đến sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tương tự, tại thành phố Chí Linh, địa phương cũng đã có những hướng dẫn sát sao với hộ dân tham gia mô hình trồng vải xuất khẩu. Phường Bến Tắm có 10ha vải trong mô hình xuất khẩu quốc tế.

Ông Vũ Thanh Long, Phó Bí thư Đảng ủy phường Bến Tắm cho biết: "Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo bà con chăm sóc cây vải, tập huấn cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng theo danh mục và thời điểm để đảm bảo hiệu quả và không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả vải khi thu hoạch."

Tăng cường giám sát

Để tăng cường việc quản lý chất lượng đối với quả vải năm nay, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất, đặt biển chỉ dẫn vùng sản xuất vải Global GAP và lắp đặt camera giám sát vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Sơ chế vải thiều Hải Dương xuất đi Nhật tại nhà máy của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Hiện Chi cục đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật khẩn trương cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia năm 2021. Đồng thời, Chi cục cũng đã tiến hành tập huấn cho nhóm các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, kiểm tra và tổ chức cho các cửa hàng, đại lý ký cam kết đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng thương hiệu cho quả vải.

Trong quá trình giám sát, quản lý vùng sản xuất vải xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay là năm thứ hai Công ty Syngenta phối hợp với Hải Dương trong chương trình vải xuất khẩu.

Anh Vũ Văn Truy, cán bộ kỹ thuật của Syngenta Việt Nam phụ trách khu vực Đồng bằng sông Hồng chia sẻ: "Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp của các địa phương để triển khai cho bà con nông dân những chương trình hướng dẫn kỹ thuật, phun trình diễn các sản phẩm thuốc đảm bảo đúng tiêu chuẩn vải xuất khẩu. Chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong các vấn đề kỹ thuật để đảm bảo tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các thị trường xuất khẩu khó tính."

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh là 9.186ha. Cơ bản các diện tích vải Thanh Hà và Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGAP; trong đó 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP. Đáng lưu ý, có 520ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP với 50ha được cấp chứng nhận. 

Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà tâm tư: "Chúng tôi rất mong Trung ương, các cấp các ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc về Thanh Hà thu mua vải; tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp xét nghiệm đảm bảo thời gian nhanh nhất và tạo điều kiện thông quan nhanh tại các cửa khẩu để việc xuất khẩu được thuận lợi."

Năm nay, tỉnh Hải Dương có 450ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, với sản lượng dự kiến khoảng 2.500 tấn.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu vải đi các thị trường khó tính, đến nay, ngành nông nghiệp Hải Dương đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây.

Đến thời điểm này, bước đầu đã có Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ dự kiến thu mua 300 tấn và Công ty cổ phần Ameii Việt Nam dự kiến thu mua 300 tấn xuất khẩu đi Nhật Bản, Australia, Malaysia, Trung Đông, EU./.

Mạnh Minh

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục