Hai doanh nghiệp lớn ngành giao thông xin tăng vốn điều lệ

Hai "ông lớn" của ngành giao thông là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty quản lý bay Việt Nam vừa xin điều chỉnh tăng vốn điều lệ để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Hai ông lớn của ngành giao thông vận tải là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) vừa xin điều chỉnh tăng vốn điều lệ để đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật.

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị chấp thuận điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên 3.250 tỷ đồng, tăng thêm 982 tỷ đồng (sau hơn 5 năm giữ nguyên quy mô vốn điều lệ ở mức 2.286 tỷ đồng) nhằm đáp ứng đủ vốn cho hoạt động kinh doanh giai đoạn 2017 - 2019 và nhu cầu đầu tư trung, dài hạn.

[Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt: “Chúng tôi không còn đường lùi”]

Việc tăng vốn điều lệ này theo đánh giá của lãnh đạo VNR sẽ giúp Tổng công ty có thêm nguồn lực để đầu tư dự án 100 đầu máy giai đoạn 2016 - 2020, phân kỳ đầu tư chuyển tiếp giai đoạn 2017 - 2019 (trong 3 năm) là 60 đầu máy với giá trị đầu tư là 1.300 tỷ đồng; đầu tư mới đoàn tàu vận chuyển hành khách trên đoạn tuyến Sài Gòn - Nha Trang, đầu tư toa xe thay thế dần toa xe có tốc độ dưới 60Km/giờ.

“Tổng mức đầu tư của các dự án này dự kiến là 1.975 tỷ đồng, do các Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn (là các công ty con của Tổng công ty) làm chủ đầu tư,” lãnh đạo VNR cho hay.

Hiện nguồn vốn hiện có để bổ sung vốn điều lệ của VNR là 788,8 tỷ đồng. Phần bổ sung vốn điều lệ còn thiếu khoảng 193 tỷ đồng, Tổng công ty đề nghị được bổ sung tiếp từ lợi nhuận sau thuế trích lập quỹ đầu tư phát triển các năm tiếp theo (trong đó đã có tính đến lợi nhuận từ thoái vốn đầu tư tại các Công ty cổ phần).

Đối với Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, vốn điều lệ mới xin điều chỉnh là 2.780 tỷ đồng, tăng thêm 228 tỷ đồng (vốn điều lệ đã đăng ký là 2.552 tỷ đồng) từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp trích lợi nhuận sau thuế của năm 2016 và phần dư quỹ đầu tư phát triển năm 2015.

[Giải quyết ùn tắc, chồng lấn bầu trời tại sân bay Tân Sơn Nhất]

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của VATM đến ngày 31/12/2018 là 3.138,4 tỷ đồng và phía Tổng công ty được bổ sung vốn điều lệ từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp trích lợi nhuận sau thuế các năm 2016-2018 và phần dư quỹ đầu tư phát triển năm 2015 theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Được biết, năm 2016, VATM đã điều hành bay tới 733.999 chuyến, tổng doanh thu đạt 2.771 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 814 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2.205 tỷ đồng. Năm 2017, VATM dự kiến điều hành 770.714 lần chuyến, cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho hơn 103 hãng hàng không trong và ngoài nước có lịch bay thường lệ tới và quá cảnh qua Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục