Hai đại gia Uber và Grab phải lệ thuộc vào một công ty khởi nghiệp

Uber, Grab phụ thuộc vào công ty xử lý thanh toán Adyen của Hà Lan để thực hiện các giao dịch và thực tế là công ty này đang ngày một lớn mạnh, trong khi Uber, Grab thì thi nhau thua lỗ.
Hai đại gia Uber và Grab phải lệ thuộc vào một công ty khởi nghiệp ảnh 1(Nguồn: Techinasia)

Uber thực hiện hàng triệu giao dịch mỗi ngày. Đó là một phép lạ nếu xét thực tế mạng lưới thanh toán là một sự chắp vá lớn như thế nào.

Theo trang Techinasia, Uber và các công ty công nghệ nổi tiếng khác như Airbnb và Netflix đều phụ thuộc vào công ty xử lý thanh toán Adyen của Hà Lan để đối phó với sự phức tạp đó.

Adyen không phải là cái tên được nhiều người biết đến, bởi công ty chính là mạng lưới những đường ống tạo điều kiện cho giao dịch trực tuyến.

"Điều mà các doanh nghiệp không muốn là một công ty xử lý thanh toán xuất hiện với thương hiệu được nhiều người biết đến," Warren Hayashi, chủ tịch Adyen ở châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ. "Càng vô hình bao nhiêu trong quá trình thanh toán, chúng tôi càng phục vụ khách hàng tốt hơn."

Adyen có quy mô rất lớn. Công ty đã xử lý các khoản thanh toán với tổng trị giá 56 tỷ USD trong năm 2015, tăng gấp đôi doanh thu lên 371 triệu USD và thu về lợi nhuận 45 triệu USD.

Trị giá của Adyen lên đến 3,2 tỷ USD, và công ty đã thu hút được vốn từ Iconiq Capital, một quỹ đầu tư mà cha đẻ Facebook Mark Zuckerberg và nhà sáng lập LinkedIn Reid Hoffman là những nhà đầu tư.

Vào tháng Tám, đối thủ của Uber ở Đông Nam Á là Grab đã chọn Adyen là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Với các thị trường còn lại, Grab sử dụng dịch vụ của Stripe.

Một công ty có khách hàng là hai đối thủ của nhau tại Đông Nam Á đã nói lên nhiều điều về sức mạnh các sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, điểm tạo ra sự khác biệt giữa Adyen và hai công ty này chính là: Adyen thu về lợi nhuận, trong khi Uber và Grab thì thi nhau lỗ.

Theo báo cáo, Uber đã lỗ 1,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Với việc chi phí cho các tài xế chiếm một phần lớn trong sự thua lỗ này, các nhà phân tích đang tự hỏi liệu Uber có thể trụ được đủ lâu để thấy thành quả của việc đưa vào sử dụng xe tự lái.

Grab hiện đang hợp tác với nuTonomy về công nghệ xe tự lái, nhưng cũng không ở tình thế khá hơn Uber.

Trong khi đó, Adyen lại đang chứng tỏ mình là công ty sẽ trụ vững đến phút cuối cùng.

Công ty đã xây dựng cho mình vị trí là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh đang mở rộng ra toàn cầu.

Adyen hoàn toàn tập trung vào doanh nghiệp, tức là công ty không cần chờ các hiệu ứng mạng lưới tiếp sức như PayPal từng làm để thu lợi nhuận.

Trong khi các công ty thường phải xử lý các cổng thanh toán trực tuyến, đánh giá rủi ro và các hệ thống xử lý thanh toán một cách riêng rẽ, Adyen lại đưa các chức năng này về cùng một mối. Cách này đơn giản hóa công việc cho khách hàng, giúp họ dễ dàng quan sát dữ liệu trong suốt quá trình.

"Do có một bộ dữ liệu đầy đủ được trả về, chúng tôi có hàng trăm lý do giải thích việc giao dịch bị từ chối. Thông thường các doanh nghiệp chỉ có thể biết được khoảng 30 lý do thôi," Warren cho biết.

Bằng cách thâm nhập vào tập hợp đám mây các thanh toán, Adyen có thể điều chỉnh để tăng tỷ lệ phê duyệt thanh toán lên vài phần trăm. Một công ty có thể thực hiện tất cả các chức năng này cũng có nghĩa là sẽ có ít đối thủ sẽ cạnh tranh lợi nhuận với họ hơn. Kết quả cuối cùng là các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí hơn.

Một điểm thu hút khách hàng khác của Adyen là thanh toán theo thuyết bất khả tri. Công ty chấp nhận 250 phương thức thanh toán trực tuyến và phi trực tuyến toàn cầu, từ PayPal đến Nets ở Singapore hay Alipay ở Trung Quốc. Nhiều phương thức thanh toán nữa cũng có thể được thêm vào tùy thuộc vào việc phương thức nào trở nên phổ biến hơn.

Đối thủ của Adyen là Stripe (Grab cũng là khách hàng của công ty này) chỉ chấp nhận thẻ tín dụng, và chỉ giới hạn ở các nước có tỷ lệ thanh toán qua thẻ tín dụng cao.

Điều này khiến cho Adyen trở nên có giá ở nhiều nước châu Á và châu Âu, nơi các phương thức thanh toán giữa các nước là khác nhau.

Trong khi Adyen lắng nghe những yêu cầu của khách hàng để tạo nên lộ trình sản phẩm, công ty vẫn khẳng định mình không đưa ra những sản phẩm thuộc dạng hàng đặt trước. Công ty chỉ áp dụng các yêu cầu tính năng nếu muốn nhắm vào một nhu cầu lớn hơn của các khách hàng khác.

"Cách tốt nhất để mở rộng một nền tảng xử lý thanh toán là tối thiểu hóa lượng sản phẩm đặt trước", Warren chia sẻ. "Chúng sẽ luôn quay lại ám ảnh bạn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục