Hai bang New York và New Jersey của Mỹ ngày 24/10 thắt chặt hơn các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa Ebola sau khi xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại thành phố New York trước đó một ngày.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo và bang New Jersey Chris Christie tuyên bố hai bang này sẽ áp dụng lệnh cách ly bắt buộc đối với những cá nhân có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Ebola tại Guinea, Liberia hay Sierra Leone.
Lệnh cách ly này bao gồm cả những y bác sỹ tham gia công tác chữa bệnh tại các nước trên. Thời gian cách ly là tối đa 21 ngày.
Theo các nhân viên y tế, 21 ngày là thời gian ủ bệnh tối đa của Ebola. Đối với những người đến hoặc trở về từ vùng dịch nhưng không có tiếp xúc với người bệnh sẽ được các nhân viên y tế theo dõi và tiến hành cách ly nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, hai bang trên cũng sẽ làm nghiêm ngặt hơn thủ tục kiểm tra tại hai sân bay quốc tế Newark và JFK.
Cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio khẳng định hệ thống y tế thành phố được "trang bị đầy đủ" để đối phó với Ebola.
Người dân thành phố do đó không nên hoảng loạn và cần hiểu rõ tình hình vẫn đang được kiểm soát tốt. Các chuyên gia y tế thành phố đã có thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng căn bệnh này cũng như đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan và giới chức liên bang.
Trước đó, tối 23/10, Sở y tế New York thông báo đã có trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại thành phố. Người mắc bệnh là bác sĩ Craig Spencer, 33 tuổi, thành viên của tổ chức nhân đạo Thầy thuốc không biên giới, đã có mặt ở Guinea - một trong ba quốc gia ở Tây Phi bị dịch bệnh Ebola nghiêm trọng nhất.
Sau khi về Mỹ được 21 ngày, bác sĩ Craig bị sốt cao, buồn nôn và xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Hiện tại, bác sĩ Craig đang được điều trị tại bệnh viện Bellevue và ở trong tình trạng ổn định.
Trong khi đó, tại bang Texas, nữ y tá Mỹ gốc Việt Nina Pham đã xuất viện trong ngày 24/10, còn đồng nghiệp của cô, nữ y tá Amber Vinson, đã được xác nhận loại bỏ thành công virus Ebola song cần theo dõi thêm một thời gian.
Nina Pham là trường hợp bị nhiễm virus Ebola đầu tiên trên đất Mỹ. Cô cùng nữ y tá Amber Vinson đã bị nhiễm virus Ebola trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Duncan, người Liberia đã qua đời hôm 8/10 vừa qua tại Mỹ.
Trong một diễn biến khác, giới chức Liên hợp quốc cùng ngày 24/10 cho biết các cam kết hỗ trợ tài chính mới cho quỹ chống dịch Ebola Liên hợp quốc đã đạt 118 triệu USD với đóng góp mới nhất từ hai nước Anh và Thụy Điển. Trong đó, hỗ trợ từ London là 32 triệu USD và Thụy Điển là 15 triệu USD.
Một quốc gia khác là Mexico cũng tuyên bố sẽ tham gia tích cực hơn vào nỗ lực quốc tế chiến đấu chống lại dịch bệnh Ebola tại Tây Phi.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Mexico sẽ đóng góp hỗ trợ tài chính để giúp trang bị cho các nhóm y bác sỹ của Cuba đang hoạt động tại Tây Phi.
Số liệu mới nhất do WHO công bố cho thấy dịch Ebola đã làm 4.877 người thiệt mạng trong số hơn 9.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Liberia, Sierra Leone, Guinea là các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn dịch này./.