Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự thảo luật cấm các ngân hàng Nga chia sẻ "bí mật ngân hàng" với người nước ngoài. Đây là động thái mới nhất của các nhà lập pháp Nga nhằm bảo vệ lĩnh vực tài chính của nước này.
Theo dự thảo luật trên, giới chức Nga cho phép các doanh nghiệp và ngân hàng nước này không tiết lộ thông tin về cổ phiếu đã phát hành và danh sách người mua, để tự bảo vệ khỏi các lệnh trừng phạt có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ không công bố báo cáo tài chính của các ngân hàng trên trang web cho đến tháng Mười.
Tuyên bố của Duma Quốc gia cho biết các tổ chức tín dụng Nga sẽ bị cấm cung cấp cho các cơ quan chức năng nước ngoài thông tin về khách hàng và các giao dịch của họ cũng như người thụ hưởng và chủ sở hữu.
Để có hiệu lực, dự luật trên vẫn cần phải được Thượng viện Nga thông qua và có chữ ký của Tổng thống Vladimir Putin, để chính thức có hiệu lực.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ không công bố tên của các ngân hàng kết nối với hệ thống thanh toán thay thế cho mạng thanh toán SWIFT và tạm thời ngừng công bố số liệu về lĩnh vực ngoại thương hàng tháng.
[Nga: Các doanh nghiệp luyện kim chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt]
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas mới đây cho biết kinh tế Nga sẽ không sớm phục hồi sau các lệnh trừng phạt. IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay và dự kiến giảm thêm 2,3% trong năm tới.
Ông Gourinchas cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga có thể khiến sản lượng kinh tế của Nga giảm tới 17% trong năm 2023.
Tuy vậy, ông Gourinchas cho hay các cơ quan quản lý tiền tệ của Nga thành công trong việc sử dụng các biện pháp kiểm sát vốn và lãi suất cao hơn để ngăn ngừa hoạt động của các ngân hàng có thể bị rơi vào phá sản hoặc “cuộc khủng hoảng tài chính hoàn toàn”./.