Ngày 8/6, Hạ viện Mỹ đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bãi bỏ chính sách kiểm soát ngân hàng được chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vốn bị chỉ trích là hạn chế thái quá hoạt động cho vay.
Với 233 phiếu ủng hộ so với 186 phiếu chống, Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật "Lựa chọn tài chính" (Financial Choice), cho phép bãi bỏ và điều chỉnh nhiều nội dung của đạo luật Dood-Frank được cựu Tổng thống Barack Obama ban hành năm 2010. Những quy định và điều khoản của đạo luật này bị cho là khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.
Dự luật "Lựa chọn tài chính" bãi bỏ quy định ngăn chặn các ngân hàng tham gia các hoạt động đầu cơ cũng như hạn chế quyền hạn của Hội đồng giám sát ổn định tài chính. Dự luật cũng cho phép Tổng thống Mỹ có quyền cách chức người đứng đầu Cơ quan bảo hộ tài chính cho người tiêu dùng và cho phép Quốc hội Mỹ quản lý ngân sách của cơ quan này.
[Tổng thống Mỹ ủng hộ các nỗ lực điều tra chính quyền tiền nhiệm]
Theo Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, sức ép từ các quy định khắt khe của đạo luật Dood-Frank khiến các ngân hàng cộng đồng nhỏ không thể chống đỡ nổi, bởi vậy việc thông qua đạo luật này là một tín hiệu tốt. Trong khi đó, những người phản đối lại cho rằng dự luật này là một "tai họa" cho người lao động Mỹ.
Theo Liên đoàn người tiêu dùng Mỹ, việc bãi bỏ những quy định mang tính bảo vệ của đạo luật Dodd-Frank khiến người tiêu dùng và các nhà đầu tư phải đối mặt với những rủi ro khủng hoảng và bất ổn lớn hơn. Trong khi đó, nhóm giám sát tài chính người tiêu dùng Better Markets cho rằng không nên loại bỏ các quy định bảo vệ tài chính và phát triển kinh tế bởi trên thực tế kinh tế phát triển ổn định luôn đòi hỏi các quy định bắt buộc.
Dự luật trên vẫn cần phải chờ thượng viện thông qua, song được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức bởi cần có sự ủng hộ của các nghị sỹ đảng Dân chủ./.