Ngày 8/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm tránh nguy cơ chính phủ ngừng hoạt động do cạn kiệt ngân sách. Đây là dự luật chi tiêu tạm thời thứ 3 được thông qua tại Mỹ trong chưa đầy 5 tháng qua.
Thỏa thuận về chi tiêu hiện tại sẽ kết thúc ngày 18/2 tới và nếu không có hành động nào được đưa ra, hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ có nguy cơ phải ở nhà mà không được trả lương khi các cơ quan liên bang đóng cửa.
[Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố tái tranh cử vào Quốc hội]
Trên thực tế, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều phát đi tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng với một thỏa thuận tạm thời khác. Cuối cùng, 51 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu "đồng ý" với đảng Dân chủ tại Hạ viện.
Ngay sau khi được Thượng viện "bật đèn xanh" - một thủ tục dự kiến sẽ diễn ra trong những ngày tới - thỏa thuận mới sẽ có hiệu lực đến ngày 11/3/2022. Điều này giúp cho các nhà lập pháp có thời gian để nhất trí về gói chi tiêu dài hạn, lớn hơn nhằm chi trả cho phần còn lại của tài khóa hiện tại, tức là đến ngày 30/9/2022.
Trong gần một thập kỷ qua, Mỹ đã ghi nhận 3 lần chính phủ đóng cửa vào năm 2013, tháng 1/2018 và tháng 12/2018.
Những lần chính phủ ngừng hoạt động này đã dẫn đến hàng chục nghìn nhân viên trong lĩnh vực không thiết yếu bị cho nghỉ phép và những người ở các vị trí trọng yếu khác thì buộc phải làm việc mà không được trả lương./.