Hạ viện Mỹ không thông qua dự luật di trú do Đảng Cộng hòa đề xuất

Với 301 phiếu chống và 121 phiếu thuận, các nghị sỹ ở Hạ viện Mỹ đã bác dự luật về cải cách di trú và an ninh biên giới dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ.
Người di cư di chuyển tới khu vực biên giới Mexico-Mỹ tại Tijuana, bang Baja California, Mexico ngày 28/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/6, dự luật di trú thỏa hiệp được đảng Cộng hòa đề xuất đã không được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ.

Với 301 phiếu chống và 121 phiếu thuận, các nghị sỹ ở Hạ viện đã bác bỏ dự luật về cải cách di trú và an ninh biên giới.

Theo thông báo, tất cả các nghị sỹ của đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bỏ phiếu phản đối, cùng với đó là hàng chục nghị sỹ của phe Cộng hòa, những người cho rằng dự luật này không đủ để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu về dự luật di trú thỏa hiệp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện nỗ lực “chót” để kêu gọi sự ủng hộ.

Trong một đoạn tweet, Tổng thống Trump viết rằng: “Các nghị sỹ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện nên thông qua dự luật mạnh mẽ mà công bằng, hay còn được biết đến với tên gọi Goodlatte II, trong cuộc bỏ phiếu chiều nay, dù các nghị sỹ của đảng Dân chủ sẽ không để dự luật này thông qua tại Thượng viện.” 

[17 bang tại Mỹ kiện Tổng thống Trump vì chính sách nhập cư]

Tuy nhiên, việc dự luật di trú thỏa hiệp không được thông qua tại Hạ viện được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc giải quyết vấn đề người di cư.

Tuần trước, các lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện quyết định hoãn bỏ phiếu đối với dự luật di trú thỏa hiệp do tình trạng chia rẽ sâu sắc trong nội bộ về vấn đề này.

Cụ thể, dự luật di trú thỏa hiệp cho phép cấp quyền công dân đối với những người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ, nhưng sẽ cấp 25 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới, hạn chế nhập cư hợp pháp và yêu cầu Bộ An ninh Nội địa giam giữ các gia đình cùng nhau trong suốt tiến trình tố tụng hình sự đối với hành vi nhập cư không phù hợp vào Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục