Hạ viện Colombia thông qua thỏa thuận hòa bình với số phiếu tuyệt đối

Hạ viện Colombia đã thông qua thỏa thuận với số phiếu tuyệt đối, 130 phiếu ủng hộ, trước đó, Thượng viện cũng đã thông qua văn bản nói trên với 75 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống.
Lễ ký thỏa thuận hòa bình mới tại Bogota ngày 24/11. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 1/12, Quốc hội Colombia đã thông qua thỏa thuận hòa bình sửa đổi vừa được ký kết hôm 24/11 giữa Tổng thống Juan Manuel Santos và thủ lĩnh tối cao Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono, chấm dứt hơn năm thập kỷ nội chiến.

Hạ viện Colombia đã thông qua thỏa thuận với số phiếu tuyệt đối, 130 phiếu ủng hộ, không có phiếu chống. Trước đó, ngày 29/11, Thượng viện cũng đã thông qua văn bản nói trên với 75 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống.

Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Santos đã đánh giá cao quyết định của lưỡng viện Quốc hội và đánh giá đây là “sự ủng hộ lịch sử” đối với nền hòa bình dài lâu của đất nước.

Trước đó, Tổng thống Santos cho biết sau khi Quốc hội thông qua thỏa thuận hòa bình sửa đổi, năm ngày sau các thành viên FARC sẽ được di chuyển tới các khu vực chuyển tiếp để tiến hành giải giáp vũ khí, chuẩn bị tái hội nhập xã hội.

Dự kiến, tới trước ngày 30/12, tất cả các tay súng của FARC sẽ có mặt tại các khu vực quy định. Các chuyên gia của Liên hợp quốc sẽ tham gia hỗ trợ quá trình này, cũng như giám sát việc thực hiện ngừng bắn song phương.

Sau khi thỏa thuận hòa bình được thông qua, Quốc hội sẽ chuẩn bị luật hóa văn bản nói trên để triển khai. Chính phủ và FARC hy vọng Tòa án Tối cao cho phép áp dụng thủ tục “tắt” để thực thi sớm thỏa thuận.

Ngày 24/11 vừa qua, Tổng thống Santos và thủ lĩnh tối cao FARC Londono đã ký thỏa thuận hòa bình sửa đổi, thay thế cho thỏa thuận lần thứ nhất bị các cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10.

Thỏa thuận hòa bình mới bao gồm 56 trong tổng số 57 điểm mà phe đối lập đề nghị. Khác với thỏa thuận đạt được hồi tháng Chín, Tổng thống Santos quyết định văn bản lần này không phải thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Người dân Colombia cùng với cộng đồng quốc tế đều hy vọng rằng trong tương lai, quốc gia Nam Mỹ này sẽ được sống trong hòa bình sau hơn năm thập kỷ nội chiến đẫm máu, khiến 260.000 người thiệt mạng, 60.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục