Hạ viện Argentina thông qua dự luật cho phép Tổng thống có quyền lập pháp

Dự luật có ý nghĩa quan trọng với Chính phủ của Tổng thống Javier Milei để tiến hành cải cách kinh tế, thúc đẩy thị trường lao động phát triển linh hoạt và triển khai ưu đãi trong thu hút đầu tư.
Quang cảnh phiên họp Hạ viện Argentina tại Buenos Aires ngày 29/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/4, Hạ viện Argentina đã thông qua một dự luật mới cho phép Tổng thống có quyền lập pháp, thúc đẩy đơn giản hóa các hoạt động cơ quan Nhà nước và tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Chủ tịch Hạ viện Argentina Martin Menem cho biết dự luật mang tên Cơ bản đã nhận được 140 phiếu thuận, 106 phiếu chống và sáu phiếu trắng, sau 31 giờ thảo luận.

Văn bản pháp luật này có ý nghĩa quan trọng với Chính phủ của Tổng thống cực hữu Javier Milei để tiếp tục tiến hành cải cách kinh tế, sửa đổi hệ thống thuế phức tạp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển linh hoạt và triển khai ưu đãi trong thu hút đầu tư.

Dự luật Cơ bản, với 232 chương, sẽ tiếp tục được thảo luận ở Hạ viện để thông qua từng chương, trước khi gửi tới Thượng viện.

Dự luật Cơ bản bao gồm nhiều chính sách cải cách mà Chính phủ Tổng thống Milei đã đưa ra trong dự luật Xe buýt, vốn bị Hạ viện bác bỏ vào tháng Hai vừa qua.

Dự luật Cơ bản lần này quy mô cải cách nhỏ hơn nhiều so với dự luật trước đây, đặc biệt Chính phủ đã từ bỏ ý định tư nhân hóa Ngân hàng Trung ương, từng bị dự luận chỉ trích nặng nề.

So với trước đây, Chính phủ Argentina đề xuất tư nhân hóa hoàn toàn hoặc cổ phần hóa 11 tập đoàn và công ty thuộc sở hữu nhà nước, giảm đáng kể so với dự định trước đây là 40.

Hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas, tập đoàn năng lượng quốc gia Enarsa, công ty cung cấp dịch vụ vận tải hàng không mặt đất Intercargo, cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia sẽ là những cơ quan được phép tư nhân hóa hoàn toàn.

Trên tài khoản mạng xã hội X, Tổng thống Milei khẳng định đây là bước tiến "đầu tiên và cơ bản" để đưa Argentina thoát khỏi khó khăn trong những thập kỷ qua.

Tuy nhiên, bên ngoài trụ sở Quốc hội, các tổ chức xã hội và những người ủng hộ phe đối lập đã tập trung biểu tình phản đối các biện pháp cải cách của chính phủ vì cho rằng các chính sách hiện nay làm tổn hại tới người nghèo và người lao động, trong khi phục vụ lợi ích các công ty và những người giàu trong xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục