Ngày 9/1, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu nhất trí yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đẩy nhanh thời hạn đệ trình phương án B trong trường hợp thỏa thuận đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hiện tại không vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện nước này trong tuần tới.
Với 308 phiếu thuận và 297 phiếu phản đối trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện, Chính phủ Anh sẽ phải trình kế hoạch thay thế cho bản thỏa thuận Brexit hiện tại trong vòng ba ngày làm việc tính từ khi thỏa thuận ban đầu bị bác bỏ tại Quốc hội thay vì thời hạn 21 ngày như trong luật định.
Đây được coi là một động thái gia tăng áp lực lên Chính phủ Anh giữa lúc thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi tháng 11 vừa qua đang đối mặt với nhiều thách thức và có khả năng cao không vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 15/1 tới.
Trước đó, ngày 8/1, Hạ viện Anh cũng đã bỏ phiếu thông qua một điều khoản hạn chế về tài chính trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Với 303 phiếu thuận và 296 phiếu chống, các nghị sỹ đã thông qua một điều khoản bổ sung Dự thảo luật tài chính, theo đó sẽ hạn chế chính phủ có quyền tăng thuế nếu kịch bản “Brexit không thỏa thuận” xảy ra.
[Anh: DUP cảnh báo sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit]
Kết quả bỏ phiếu này cho thấy sự phản đối đáng chú ý khi khả năng Anh sẽ rời EU vào đúng ngày 29/3 tới mà không có thỏa luận "ly hôn" đang hiện hữu.
Quốc hội Anh ngày 9/1 bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài năm ngày trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu chính thức về thỏa thuận nước này rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu vào ngày 15/1 tới.
Phát biểu khai mạc phiên tranh luận về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện, Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay khẳng định chính phủ Anh sẽ phản ứng nhanh chóng nếu thỏa thuận Brexit hiện nay bị cơ quan lập pháp Anh bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu tuần tới.
Ông Barclay nêu rõ mong muốn đảm bảo rằng dù kết quả của phiên tranh luận ra sao thì chính phủ cũng sẽ phản ứng nhanh chóng nhằm cho Hạ viện thấy mức độ đảm bảo cao nhất có thể.
Hồi tháng 12/2018, Thủ tướng May đã hoãn trình thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện Anh do lo ngại văn bản này sẽ không được thông qua.
Thỏa thuận Brexit trên đã được Thủ tướng May nhất trí với EU, song văn bản này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ Anh, do điều khoản "rào chắn," tức là kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau Brexit. Dù điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, nhưng đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải.
Hiện có hai lựa chọn cho các nghị sỹ: thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án rời EU đúng ngày đã định mà không có thỏa thuận. Kịch bản xấu nhất này sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với Anh và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU./.