Ngày 7/1, Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Anh đã công bố báo cáo nhan đề "Hướng tới báo cáo an ninh và quốc phòng mới," có nội dung chỉ trích chính sách an ninh quốc gia hiện nay của chính phủ.
Với nhận định các quyết định quan trọng về quốc phòng được đưa ra luôn gắn với yêu cầu hạn chế chi tiêu, báo cáo cho rằng năng lực quốc phòng của Anh không nên bị giới hạn bởi các khó khăn về ngân sách.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện, nghị sỹ James Arbuthnot cho rằng "Báo cáo an ninh và quốc phòng chiến lược 2010" (SDSR) và "Chiến lược an ninh quốc gia 2010" của chính phủ đều bị chi phối bởi mục tiêu cao hơn là cắt giảm thâm hụt ngân sách và rất khó xác định một tầm nhìn chiến lược quốc phòng thật sự.
Ủy ban Quốc phòng kêu gọi chính phủ cần một chiến lược an ninh quốc gia toàn diện nhằm xác định rõ vị trí của Anh trên bản đồ quân sự thế giới và đặt chiến lược này, cùng với Báo cáo chi tiêu tổng thể, ngang hàng với SDSR.
Sự phân bổ các nguồn lực phải dựa trên các ưu tiên chi tiêu quốc gia đặt ra để đáp ứng các nhu cầu an ninh của đất nước.
Kinh tế Anh đã suy giảm do cuộc khủng hoảng tài chính và nhiệm vụ hàng đầu của Thủ tướng David Cameron sau cuộc bầu cử năm 2010 là giảm vay nợ của chính phủ vốn đã lên mức kỷ lục.
Quá trình này vẫn tiếp tục và đã dẫn đến sự cắt giảm ngân sách ở hàng loạt cơ quan chính phủ Anh cũng như việc phải tăng một số loại thuế.
Tuy chi tiêu quân sự có mức cắt giảm thấp hơn các lĩnh vực khác nhưng quy mô của cả ba lực lượng chính của quân đội Anh đều đã thu hẹp.
Lục quân Anh dự kiến chỉ còn 82.000 binh sỹ vào năm 2020 so với quân số 102.000 người của năm 2010.
Kế hoạch quốc phòng Anh hiện đặt trọng tâm vào việc phục vụ năng lực viễn chinh nhưng ở mức hạn chế hơn so với chiến dịch quân sự ở Afghanistan năm 2001 và chiến tranh Iraq năm 2003.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh (MOD) cho biết MOD hoan nghênh cách tiếp cận chiến lược của Ủy ban Quốc phòng nhưng khẳng định sẽ là phi thực tế nếu nghĩ rằng quốc phòng không phụ thuộc vào những khó khăn tài chính mà đất nước phải đối mặt, một bản SDSR hợp lý phải cân bằng được các thách thức chiến lược và tài chính để tìm ra một giải pháp bền vững cho năng lực quốc phòng./.