Hà Tĩnh: Lốc xoáy làm tốc mái nhiều ngôi nhà, 200 cây ven biển gãy đổ

Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ nhanh chóng khắc phục, lợp lại nhà cửa, mái che và các công trình hư hại khác giúp các hộ dân ổn định tình hình.
Cán bộ địa phương và nhân dân xã Thịnh Lộc khắc phục hậu quả lốc xoáy. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Ngày 18/9, ông Nguyễn Khắc Phong, Bí thư xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), cho biết áp thấp nhiệt đới đã gây ra lốc xoáy trên địa bàn xã Thịnh Lộc làm 3 nhà dân và một số công trình phụ ở thôn Nam Sơn bị tốc mái và hư hỏng, khoảng 200 cây ven biển gãy đổ.

Vào lúc 1 giờ ngày 18/9, một trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã quét qua địa bàn thôn Nam Sơn xã Thịnh Lộc, hậu quả làm 3 nhà dân (trong đó có 2 nhà bị tốc mái ngói, 1 nhà bị tốc mái che sân) và một số công trình phụ bị ảnh hưởng, lốc xoáy còn làm đổ gãy hàng trăm cây ven bờ biển, một số diện tích hoa, màu bị hư hại.

Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ (Hội Phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh cùng nhân dân thôn Nam Sơn) nhanh chóng khắc phục, lợp lại nhà cửa, mái che và các công trình hư hại khác giúp các hộ dân ổn định tình hình.

Lãnh đạo huyện Lộc Hà kịp thời có mặt tại xã Thịnh Lộc đôn đốc chính quyền, nhân dân chủ động triển khai các phương án “4 tại chỗ” khắc phục kịp thời những thiệt hại ban đầu và có kế hoạch phòng chống áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão sắp đổ bộ vào đất liền.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 5449/UBND-NL1 ngày 17/9/2024 về chủ động công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

Các đơn vị, chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là huyện ven biển, miền núi tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh có hiệu quả; tổ chức rà soát các hộ dân, khu vực vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất sớm di dời, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra.

Khắc phục, dọn dẹp cây bị đổ, gãy do lốc xoáy. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Lưu ý đối với các xã Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn); xã Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh), xã Hương Liên, Hương Lâm (huyện Hương Khê), xã Hương Quang (Vũ Quang), xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân)... cần rà soát hộ dân và di dời khi cần thiết, tránh thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân khi bị thiên tai, sạt lở đất và ngập lụt.

Các đơn vị, địa phương cử cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với thời gian ngập lụt kéo dài, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở khi có tình huống xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục