Hà Tĩnh lên phương án di dời hơn 2.000 hộ dân ở hạ lưu hồ Kẻ Gỗ

Tỉnh Hà Tĩnh ra công điện yêu cầu các đơn vị tăng cường nhiều biện pháp phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; huyện Cẩm Xuyên lên phương án di dời hơn 2.000 hộ dân ở hạ lưu hồ Kẻ Gỗ.
Chính quyền địa phương giúp người dân xã Hương Liên thu dọn đồ đạc để chuyển đến nơi an toàn. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn, liên tục kéo dài, nhiều công trình thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ đã gây ngập úng ở nhiều nơi.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện yêu cầu các đơn vị tăng cường nhiều biện pháp phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đến 20 giờ ngày 18/10, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa rất to.

Tại thành phố Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài cùng với việc Hồ Kẻ Gỗ xả tràn từ chiều 18/10 đã khiến nhiều địa bàn bị ngập lụt. Nhiều nhà dân xung quanh các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng…, nước tràn vào nhà từ 0,5m đến 1m.

Theo thông báo, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã nâng mức xả lũ lên mức 250m3/giây, trong lúc mưa đang rất to, dự báo tình hình ngập lụt sẽ tăng thêm trong đêm 18/10.

Mưa lũ kéo dài đã gây ngập lụt, xói lở, chia cắt ở một số địa bàn như huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh.

Tại huyện Cẩm Xuyên, chính quyền đã lên phương án di dời hơn 2.000 hộ dân ở hạ lưu hồ Kẻ Gỗ, bao gồm các xã: Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh. Địa phương thực hiện di dời những hộ dân ở vùng ngập sâu đến các nhà dân ở vùng cao, nhà 2 tầng kiên cố hoặc các trường học, trạm y tế trên địa bàn.

Ghi nhận của phóng viên tại huyện Hương Khê vào chiều tối 18/10, mưa lớn đã khiến hàng trăm tuyến đường, công trình thủy lợi bị ngập, hư hỏng nặng.

[Hà Tĩnh: Học sinh ở 7 huyện, thành phố nghỉ học từ 19/10 do mưa lũ]

Theo báo cáo từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, tính đến 17 giờ ngày 18/10, lượng mưa đo được tại Hương Khê là 367mm; mực nước sông Ngàn Sâu đạt 13,5m, dưới báo động 3 là 0,5m.

Đến tối 18/10, toàn huyện có 5 xã bị chia cắt gồm: Hương Thủy, Điền Mỹ, Lộc Yên, Hương Đô, Hương Giang; đặc biệt, đã có 194 hộ dân, 21 hội quán thôn, 10 trường học, 2 trụ sở Ủy ban Nhân dân xã bị ngập trong lũ.

Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê cho biết tại địa phương ngoài các xã vùng “rốn lũ,” thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập lụt như Điền Mỹ, Hương Giang, Hương Thủy… còn có nhiều địa bàn vùng núi có nguy cơ cao bị mưa lớn gây xói mòn, sạt lở, lũ quét.

Chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan đơn vị đóng dưới các chân núi có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi an toàn.

Đến 17 giờ ngày 18/10, lực lượng chức năng huyện Hương Khê đã di dời 12 hộ dân thuộc các xã Hương Lâm, Hương Liên, Gia Phố… nằm dưới các chân núi có nguy cơ cao bị sạt lở đất đến nơi an toàn.

Địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai các xã thị trấn, chuẩn bị và sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất ở vùng núi; các vùng có độ dốc lớn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét.

Huyện đã huy động toàn bộ lực lượng tập trung cho công tác phòng, chống lụt bão, đảm bảo phương án "bốn tại chỗ" đồng thời đặt ra điều kiện tuyệt đối an toàn cho người dân và lực lượng phòng, chống cứu hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục