Những ngày cận Tết Nguyên đán, các bếp lửa của người dân làng nướng cá ở vùng biển Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) luôn đỏ rực để cung cấp kịp thời sản phẩm cho thị trường.
Do nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên bà con ở đây đang tất bật, hối hả cho ra lò những mẻ cá nướng để phục vụ cho khách hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Làng Thạch Kim được hình thành từ khoảng thế kỷ thứ 13-14. Lúc đầu, làng có tên là Trang Ngọc Tích, sau đổi thành Kim Đôi và ngày nay là xã Thạch Kim.
Ngoài đánh bắt xa bờ, người dân Thạch Kim còn nổi tiếng với nghề nướng cá. Mỗi năm xuất đi hàng chục tấn cá nướng các loại, thị trường chủ yếu là trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như Đắk Lắk, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghề nướng cá ở xã Thạch Kim tuy vất vả, nhưng hầu như không ai bỏ nghề bởi cá nướng đã trở thành đặc sản của vùng đất này. Cá nướng ở đây được khách hàng khắp nơi ưa chuộng và mang lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Theo nghiệp của bố mẹ để lại, bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Long Hải hiện là thế hệ thứ hai làm nghề nướng cá.
Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, những mẻ cá nướng của bà luôn giữ được sự thơm ngon, khách hàng rất ưa chuộng. Những ngày giáp Tết, lò nướng cá của gia đình bà phải đỏ lửa từ sáng sớm đến tối mịt mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng cao trong dịp Tết.
Bà Nguyễn Thị Vân cho hay ngày bình thường bà nướng từ 1-1,5 tạ cá tươi, nhưng khoảng từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, hầu như ngày nào bà cũng nướng từ 2-3 tạ cá.
“Trong quá trình nướng phải theo dõi than thật chuẩn, lật trở cá đều tay. Nếu lửa nhiều quá cá bị cháy sẽ không ngon. Mẻ cá đạt tiêu chuẩn là thịt cá vẫn trắng, nhưng cá đã khô, có mùi thơm đặc trưng,” bà Vân chia sẻ thêm về kinh nghiệm nướng cá.
Nghề nướng cá tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã trải qua hàng chục năm và gắn với nghề đi biển của người dân địa phương.
Trước đây, người làm nghề nướng cá thường làm tại nhà, ở khu dân cư. Gần đây, chính quyền địa phương đã chuyển khu vực nướng cá đến tập trung tại cụm tiểu thủ công nghiệp chế biến hải sản của xã để không ảnh hưởng môi trường, khói bụi.
Những mẻ cá nướng của người dân ở đây đều được thực hiện và bán đi trong ngày. Nguồn cá nướng luôn phải tươi, ngon mới đảm bảo chất lượng. Vì thế, từ sáng sớm, khi các thuyền đánh cá cập cảng Thạch Kim, các hộ dân đã có mặt để thu mua cá về nướng.
Bà Phạm Thị Xoan (thôn Liên Tân, xã Thạch Kim) chia sẻ cá sau khi mua về được sơ chế, loại bỏ những con hỏng, sau đó rửa sạch.
Dịp Tết, các hộ dân thường tập trung nướng những loại cá to như cá bạc má, cá nục, cá thu. Đối với các loại cá to thì bà con thường dùng thanh tre nhỏ xuyên từ đầu đến bụng để con cá trong quá trình nướng không bị gãy.
“Nghề cá nướng được gia đình làm quanh năm, nhưng vào dịp cận Tết trung bình mỗi ngày gia đình tôi nướng từ 3-4 tạ cá. Hầu hết đều làm theo đơn đặt hàng của khách để họ gửi đi làm quà cho người thân ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…,” bà Xoan cho hay.
Xã Thạch Kim là nơi có nghề đánh cá biển truyền thống từ lâu đời. Đây cũng là nơi có Cảng Cửa Sót, một trong những cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh.
Ngoài sản lượng do ngư dân địa phương đánh bắt, mỗi năm, ở cảng cá Cửa Sót còn đón gần 18.000 lượt tàu thuyền của các địa phương trong và ngoài tỉnh ra vào, mang về gần 8.000 tấn hải sản. Vì thế, đã tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú, giúp hoạt động chế biến, kinh doanh hải sản ở vùng cửa biển ngày càng phát triển.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạch Kim Phạm Duy Khánh cho biết hiện nay toàn xã có khoảng 40 hộ dân, 5 hợp tác xã đang làm nghề nướng cá, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động.
Những năm qua, nghề nướng cá góp phần chế biến, tiêu thụ sản phẩm được ngư dân trên địa bàn đánh bắt. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 18 cơ sở, hợp tác xã cấp hàng đông lạnh, hàng trăm hộ chế biến, kinh doanh các mặt hàng hải sản.
Qua đó giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Mỗi năm nguồn thu từ khai thác, chế biến thủy hải sản đạt từ 200-220 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% giá trị ngành chế biến, thương mại dịch vụ của xã.
Dự kiến, thời gian tới xã Thạch Kim sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhận nướng cá là nghề truyền thống. Đồng thời, khuyến khích ngư dân mở rộng hoạt động chế biến, quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP./.
Các làng nghề truyền thống ở Quảng Bình hối hả vào vụ Tết Giáp Thìn 2024
Nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều làng nghề truyền thống tại tỉnh Quảng Bình đang tập trung sản xuất các mặt hàng với không khí nhộn nhịp.