Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, ngày 11/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký công văn số 3673/UBND-TH5 về việc tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu tại vùng các ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19.
Công văn nêu rõ tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở lưu trú tại vùng cách ly y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Thời gian tạm dừng kể từ ngày có các quyết định thiết lập vùng cách ly y tế của cấp có thẩm quyền ban hành cho đến khi có quyết định tiếp theo.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ, công trình được phép hoạt động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nội dung nêu trên tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên địa bàn.
Danh mục các loại hình sản xuất, kinh doanh cung ứng dịch vụ, công trình được phép hoạt động như các cơ sở kinh doanh mặt hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu con người lương thực, thực phẩm như gạo tẻ, gạo nếp, vừng đậu, bột, tinh bột, thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; bánh, muối; bột nêm; gia vị, nước mắm; đường; dầu thực vật; sữa chế biến và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu thiết yếu dùng hàng ngày của người dân; nước uống đóng chai; thiết bị y tế; thuốc chữa bệnh, khẩu trang, sản phẩm dùng để tẩy rửa, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh; xăng đầu, ga.
Các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống, vật tư phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thú y…; các cơ sở cung ứng vật tư phục vụ các công trình xây dựng (ximăng, sắt thép, vật liệu xây dựng) nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và các trường hợp khẩn cấp khác ( cấp cứu; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ…).
Trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp (trừ các trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh các hàng hóa không thiết yếu, dịch vụ ăn uống tại chổ, vui chơi, giải trí và các gian hàng, địa điểm kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu).
Chợ chỉ cho phép hoạt động các điểm kinh doanh, kiốt kinh doanh các hàng hóa thiết yếu (trừ chợ bị phong tỏa).
Các cơ sở sản xuất điện, cung ứng và vận hành hệ thống nguồn lưới điện; các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất.
Các cơ sở cung cấp dịch vụ (bưu chính, viễn thông, truyền hình; máy tính, thiết bị hội nghị trực tuyến). Các cơ sở sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế. Các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở giáo dục (không thực hiện hoạt động dạy và học tại trường), ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đang ký giao dịch bảo đảm…) chứng khoán, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ.
Đối với hoạt động vận tải, thực hiện theo hướng dẫn bằng các văn bản của tỉnh cuãng như của Sở Giao thông vận tải về việc hướng dẫn hoạt động vận tải trong thời gian dịch COVID-19, trên địa bàn tỉnh và trong địa bàn cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, sáng 11/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp nhằm soát xét, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đối phó với dịch bệnh.
Theo báo cáo sơ bộ từ Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 4/6 đến nay toàn tỉnh có 26 ca bệnh, trong đó có 18 ca điều trị tại Hà Tĩnh và 8 ca bệnh chuyển điều trị tại Hà Nội. Toàn tỉnh cách ly tập trung 1.018 người; cách ly tại nhà/nơi lưu trú 8.252 người; tự theo dõi sức khỏe 19.019 người; cách ly tại cơ sở y tế 75 người.
Tại cuộc họp Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị, thời gian tới các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy cơ dịch bệnh và luôn xác định bất cứ địa phương nào cũng có thể biến thành vùng dịch, ổ dịch; căn cứ tình hình thực tế tham mưu các biện pháp ứng phó linh hoạt; thông tin giải thích rõ hơn để công dân hiểu các văn bản thực hiện quy định trong phòng, chống dịch bệnh.../.