Hà Tĩnh: Bất cập trong quản lý, hàng chục hécta keo không thể khai thác

Người dân ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì hàng chục hécta cây keo đang vào độ thu hoạch nhưng không thể khai thác, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Chăm sóc cây keo. (Ảnh minh họa. Xuân Triệu/TTXVN)

Do bất cập trong công tác quản lý kéo dài nhiều năm, đến nay, hàng trăm hộ dân trồng keo ở huyện Kỳ Anh đang đứng trước tình trạng không thể khai thác khi cây đến kỳ thu hoạch.

Người dân ở đây mong muốn chính quyền, các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp để đảm bảo lợi ích của họ cũng như đáp ứng quy định của pháp luật. Người dân lo ngại mùa mưa bão đến gần sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Nhiều tháng nay, người dân ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì hàng chục hécta cây keo đang vào độ thu hoạch nhưng không thể khai thác.

Nguyên nhân là từ cuối năm 2023 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh không cho các hộ dân khai thác vì cho rằng đất trồng keo lấn chiếm của rừng phòng hộ. Vì thế, khi người dân thu hoạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh yêu cầu phải ký đơn cam kết sau khi thu hoạch phải trồng phần lớn cây bản địa để có tác dụng phòng hộ, chỉ trồng khoảng 20% diện tích cây keo.

Ông Ngô Văn Phúc, (thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây), cho hay gia đình ông có 5 ha đất rừng trồng keo. Năm 2024, gia đình có 2 ha đến kỳ thu hoạch nhưng khi tiến hành cắt cây thì bị Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh yêu cầu có đơn xin và cam kết sau khi cắt phải trồng cây bản địa. Do đó, gia đình chưa ký đơn nên keo cũng chưa thể khai thác.

Theo ông Phúc, nguồn gốc đất trồng keo của gia đình ông là do khai hoang từ những năm 1990. Sau đó đến năm 2002, gia đình ông cùng nhiều hộ dân trong xã đã làm đơn xin đất làm vườn đồi và bảo vệ rừng gửi Ủy ban Nhân dân xã và đã được chính quyền địa phương xác nhận.

Sau khi có đất, ông đã trồng keo để phủ đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế, hằng năm chính quyền xã có thu hoa lợi trên đất. Từ đó đến nay, gia đình ông đã trồng và khai thác 4 lứa keo.

Cũng gặp tình trạng tương tự, ông Phan Đình Huấn (thôn Bắc Xuân, xã Kỳ Tây) cho biết gia đình có hơn 5 ha đất khai hoang để canh tác, trồng cây keo và các loại cây khác. Theo chu kỳ 5 năm thu hoạch một lần, đến nay gia đình đã thu hoạch được 4 vụ keo. Thế nhưng, từ năm 2023 đến nay, khi gia đình muốn thu hoạch, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh yêu cầu phải có đơn cam kết trồng cây bản địa sau khi thu hoạch. Do đang bước vào mùa mưa bão nên gia đình ông rất lo lắng bởi nếu không thu hoạch được thì nguy cơ bị gãy, đổ là rất cao. Khi đó, giá trị kinh tế của cây keo sẽ giảm đi rất nhiều.

Theo ông Võ Văn Xuân, Trưởng thôn Bắc Xuân, hàng chục hộ dân khác trong thôn cũng gặp tình trạng tương tự khi họ khai hoang, canh tác trồng rừng keo hơn 20 năm qua, nhưng đến nay bị Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho rằng họ lấn chiếm đất rừng phòng hộ nên muốn khai thác keo phải có đơn xin phép, phải cam kết trồng cây bản địa.

Nội dung trong đơn này yêu cầu sau khi khai thác keo sẽ không dọn dẹp đốt thực bì để trồng lứa keo mới và tự nguyện trả lại diện tích đất đã khai thác keo cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh để tổ chức trồng lại rừng bằng loài cây bản địa. Ngoài ra, sau khi trả đất, người dân sẽ được xem xét, tạo điều kiện để được nhận khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trên diện tích đã trả.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh hiện nay có khoảng 100 hộ dân ở xã Kỳ Tây trồng keo trên đất rừng phòng hộ do đơn vị quản lý với diện tích khoảng 300 ha. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều xã khác tại huyện Kỳ Anh. Đơn vị đang tiến hành khảo sát, thống kê các diện tích người dân trồng keo trên đất rừng phòng hộ để có phương án xử lý.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, cho biết đơn vị đã tiếp quản rừng phòng hộ ở xã Kỳ Tây cũng như các khu vực khác ở huyện Kỳ Anh từ năm 2001, đến năm 2004 thì được cấp đất. Việc người dân nói họ khai hoang đất từ năm 1990 là không có cơ sở, mà hiện nay họ đang trồng cây keo trên đất của rừng phòng hộ.

Lý giải những kiến nghị của người dân về việc vì sao trước đây họ vẫn khai thác keo bình thường nhưng đến nay lại phải làm đơn và chỉ được khai thác một phần, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, cho hay thời điểm đơn vị tiếp nhận các khu vực đất kể trên là đất trống đồi trọc, khi đó đơn vị Nhà nước chưa có vốn để đầu tư trồng rừng, người dân thấy đất bỏ trống nên đã vào trồng keo. Tại thời điểm đó, với yêu cầu cần nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi trọc nên đã để người dân bỏ vốn làm. Trải qua các thời kỳ khác nhau và cách quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến sự việc kể trên.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT, ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì việc khai thác cây trên đất rừng phòng hộ phải có kế hoạch, theo tỷ lệ nhất định. Thời gian qua, đơn vị đã thông báo đến người dân nếu keo đã đến thời kỳ khai thác thì đăng ký để lập phương án trình Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, hiện nay phương án được chính quyền địa phương và đơn vị thống nhất đưa ra là vẫn tạo điều kiện cho người dân khai thác keo nhưng phải theo đúng quy định. Cụ thể, cơ quan chức năng yêu cầu những hộ dân trồng keo trên đất rừng phòng hộ phải có đơn cam kết sau khi thu hoạch không được đốt thực bì và trồng keo tiếp. Diện tích này sẽ chuyển sang trồng các loại cây bản địa như lim, dổi, de… để có tác dụng phòng hộ. Sau đó, người dân sẽ được tạo điều kiện nhận khoán trồng rừng, chăm sóc rừng phòng hộ, được trồng một phần cây keo phụ trợ để khai thác, hưởng lợi (khoảng 20% diện tích).

Hằng năm, người dân sẽ được đơn vị quản lý rừng chi trả các chi phí trồng, chăm sóc diện tích rừng phòng hộ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân chưa cam kết nên khi họ khai thác keo thì đơn vị chưa cho phép cắt cây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục