Hạ tầng logistics Thành phố Hồ Chí Minh chưa theo kịp nhu cầu thực tế

Thực tế cho thấy tuyến Bắc-Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không; sản lượng thấp; tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu; thiếu vốn đầu tư nâng cấp, chuyển đổi; sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải.
Hạ tầng logistics Thành phố Hồ Chí Minh chưa theo kịp nhu cầu thực tế ảnh 1Toạ đàm về tiềm năng và cơ hội phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Hạ tầng logistics chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế, trong khi đó các doanh nghiệp trong ngành logistics đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Đây là nội dung được các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm về tiềm năng và cơ hội phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chiều 13/4.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với 7 tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và được định hướng trở thành đầu mối giao thông kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, với khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2,3,4 chưa hoàn chỉnh; thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD (cảng cạn) Trường Thọ.

[TP. HCM đề xuất dùng vốn ngân sách đầu tư tuyến nối cảng Cát Lái

Tuyến Bắc-Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không; sản lượng thấp; tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu; thiếu vốn đầu tư nâng cấp, chuyển đổi.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; các ga hàng không đã hết công suất; chưa phát triển theo mô hình ga cảng hàng không nối dài.

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận.

Thành phố Hồ Chí Minh chưa có trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030.

Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm 2022 và quý 1/2023 vận tải kho bãi là một trong những ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm, phản ánh khó khăn chung của kinh tế và của các doanh nghiệp ngành logistics.

Sản lượng vận tải giảm do cầu tiêu dùng suy yếu, tổng kim ngạch xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh quý 1/2023 giảm 17,92% và nhập khẩu giảm 19,31% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,9%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho quý 1/2023 tăng 4%.

Các khía cạnh ảnh hưởng đến chi phí logistics như thuế giá trị gia tăng (VAT) về mức 10%, áp dụng thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/4/2022. Thêm vào đó, giá nhiên liệu luôn biến động, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp logistics.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp logistics hiện nay đa số có quy mô vừa và nhỏ, nên khó tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng kinh doanh, phát triển công nghệ. Với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay khá cao. Do vậy nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức cho việc mở rộng quy mô, đầu tư vào các dự án mới.

Về thực trạng chung, bà Đặng Minh Phương phân tích cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chậm tiến độ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển của ngành logistics. Nhiều dự án chậm tiến độ (tuyến Metro, đường vành đai 3,4), một số dự án còn thiếu vốn, trong khi đó tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối hiện có còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ cũng là những nút thắt của hoạt động logistics, vận tải hàng hóa.

Theo bà Đặng Minh Phương, để cải thiện hoạt động logistics, cần đẩy mạnh hạ tầng kết nối thông qua quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, hệ thống ICD, cụm cảng, bến thuỷ nội địa, các tuyến đường giao thông kết nối cảng với các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần ban hành kế hoạch hành động chuyên đề đặc biệt để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Hiệp Phước (cạnh tranh với các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận).

Đối với doanh nghiệp, Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng VAT còn 8% trong năm 2023. Đưa ngành logistics vào chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn của thành phố.

Thêm đối tượng được áp dụng miễn/ giảm phí hạ tầng cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệp hội cũng đề xuất cần có các chính sách, hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, các công ty công nghệ phát triển các ứng dụng, giải pháp về chuyển đổi số cho ngành logistics./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục