Hà Nội yêu cầu xử lý 63 trường hợp nhà 'siêu mỏng, siêu méo' mới

Mặc dù Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp xử lý, nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại và phát sinh những trường hợp nhà "siêu mỏng siêu méo" mới chưa được giải quyết.

Mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (gọi là siêu mỏng, siêu méo), song, trên thực tế vẫn còn tồn tại và phát sinh những trường hợp mới chưa được giải quyết dẫn đến mất mỹ quan đô thị, mất an toàn trong quá trình xây dựng và sử dụng, gây bức xúc trong nhân dân.

Để thực hiện nghiêm túc kết luận của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tại các kỳ họp gần đây và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn có dự án đường quy hoạch đi qua chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo”; kiên quyết thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND và Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo đó, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh các trường hợp công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường.

Các địa phương phải chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các phường, xã, đội quản lý trật tự xây dựng và các đơn vị phòng ban chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, xử lý kiên quyết vi phạm; xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng mà không được xử lý theo Chỉ thị số 20/CT-UBND.

Cũng theo chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, đối với trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn đọng cũ trước năm 2005, Ủy ban Nhân dân các quận xây dựng lộ trình xử lý và cam kết tiến độ thực hiện.

Mặc khác, Ủy ban Nhân dân các quận tiếp tục vận động hợp thửa, hợp khối các trường hợp giữ nguyên trạng chỉnh trang để từng bước xóa bỏ công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Đối với 63 trường hợp phát sinh mới trên địa bàn Ủy ban Nhân dân các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai cần khẩn trương xử lý dứt điểm, thực hiện thu hồi sau khi hết thời gian hợp thửa hợp khối (30 ngày).

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, từ năm 2012 đến hết năm 2016, các địa phương đã tập trung xử lý dứt điểm được 465/597 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng trước năm 2005; đến tháng 3/2019 xử lý thêm 27 trường hợp.

Đối với các trường hợp hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới (từ năm 2010-2017) đã xử lý được 169/211 trường hợp.

[Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở quận Hoàng Mai]

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tiến độ xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” còn chậm, các quận, huyện cho rằng, việc tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối thực tế rất khó khăn.

Cụ thể, về giá đất khi mua bán khó thống nhất. Nhiều trường hợp các hộ xung quanh công trình "siêu mỏng, siêu méo" đã ổn định công trình không có nhu cầu mua hợp thửa; nhiều trường hợp không đủ điều kiện về tài chính để mua.

Nhiều công trình được hình thành, nhân dân đã ở ổn định trước ngày 15/3/2005 (thời điểm Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Điều 121, Luật Xây dựng 2003 có hiệu lực). Trong khi đó, phần lớn các công trình "siêu mỏng, siêu méo" còn tồn đọng nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng khi thực hiện mở đường (trước năm 2005).

Nguyên nhân khách quan là vậy, song lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ việc chính quyền địa phương và các chủ đầu tư xây dựng tuyến đường chưa quyết liệt thực hiện thu hồi đất ngoài chỉ giới sau khi hết thời gian hợp thửa, hợp khối.

Do vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo.”

Đặc biệt, các đơn vị liên quan phải kịp thời bố trí đủ kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ngoài chỉ giới các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng và thực hiện phương án thiết kế chỉnh trang kiến trúc.

Đối với các dự án mở đường theo quy hoạch, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các chủ đầu tư phải phối hợp với các quận, huyện khảo sát các thửa đất ngoài chỉ giới không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (hạn chế tối đa việc cắt xén phát sinh công trình “siêu mỏng, siêu méo”), đề xuất đủ kinh phí trong tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện thu hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục