Tại phiên họp trực tuyến chiều 19/8 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 thành phố yêu cầu quận Tây Hồ báo cáo về việc báo chí phản ánh trong hôm nay (19/8) có rất đông người dân đổ về Phủ Tây Hồ đi lễ.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, do số người đổ về phủ ngày càng đông, không đảm bảo phòng chống dịch và đến 15h chiều quận đã chỉ đạo phường Quảng An tạm đóng của Phủ Tây Hồ. Thời gian tới, nếu lượng người đổ về phủ đông thì quận sẽ chỉ đạo tiếp tục đóng cửa Phủ Tây Hồ để phòng dịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu quận Tây Hồ làm rõ trách nhiệm, không để xảy ra sự việc tương tự.
Chưa có vắcxin ngay, người dân không được chủ quan
Phát biểu tại phiên họp, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Quốc nhắc lại lời khen của Chính phủ với việc Hà Nội đã thực hiện nghiêm việc xử phạt đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách ở nhà hàng, quán cafe.
Tiến sỹ đặc biệt nhấn mạnh: "Vắcxin cũng phải vài năm nữa mới về đến Việt Nam, chưa có thể về Việt Nam ngay. Câu chuyện này còn phải chờ đợi. Cần nói rõ để người dân không chủ quan trong các biện pháp phòng dịch bệnh."
[Hà Nội phát hiện một ca nghi nhiễm đang điều trị tại Bệnh viện E]
Tiến sỹ Trần Đắc Phu lưu ý Hà Nội không bị động, cần tiếp tục làm tốt công tác giám sát phát hiện và nói thêm: "Hà Nội đã làm tốt công tác khoanh vùng dập dịch, không khoanh vùng rộng nhưng chặt chẽ, hiệu quả."
Có ý kiến cho rằng phải đóng cửa nhà hàng, quán bia nhưng ông Phu cho rằng cần nghĩ đến nhiều khía cạnh khác như việc làm, an ninh xã hội... bởi lúc này đời sống người dân là rất quan trọng. Có thể kết hợp các biện pháp như làm vách ngăn...
Dừng hoạt động nhà hàng ăn uống không thực hiện giãn cách
Nhấn mạnh, dịch bệnh ở Hà Nội đã có lây lan trong cộng đồng nhưng khả lăng bùng phát diện rộng là khó nếu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp thành phố đã đề ra.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa thực hiện biện pháp phòng chống dịch và nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm công điện của thành phố.
Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; người có bệnh mãn tính không ra khỏi nhà. Khuyến cáo người dân ra đường phải đeo khẩu trang, không tập trung đông người…
Phó Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh với các quán bar, karaoke, vũ trường phải kiểm tra nghiêm ngặt không để tình trạng “ngoài đóng cửa, trong vẫn hát…”
Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải có các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của thành phố. Cụ thể, nhà hàng ăn uống cần phải thực hiện nghiêm giãn cách chỗ ngồi 1m, khuyến khích có vách ngăn; đo thân nhiệt cho khách, khử khuẩn hàng ngày; nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ.
Về việc thực hiện giãn cách, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu phải thực hiện nghiêm, nếu “kiểm tra vi phạm thì lần thứ nhất phạt, lần thứ 2 buộc đóng cửa…”
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng nhắc nhở các cơ quan đơn vị hạn chế hội họp, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng dịch; tiếp tục xử lý dứt điểm các ổ dịch; ngăn chặn lây lan dịch bệnh ở các cơ sở y tế...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn lưu ý 5 nhiệm vụ cần tập trung triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
Cụ thể là, bên cạnh việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố cần hướng dẫn phòng chống dịch phù hợp với từng môi trường, khu vực; nâng mức độ phòng chống dịch lên một bước để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Thành phố cũng cần khẩn trương ban hành quy định, quy trình, hướng dẫn cụ thể phòng chống dịch COVID-19 để làm căn cứ cho các đơn vị triển khai thực hiện, tạo cơ sở thuận lợi cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, thời gian tới 16 đoàn kiểm tra của Thành ủy sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra trọng điểm các công tác phòng chống dịch. Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận huyện cần chú ý các nơi, các đối tượng có nguy cơ cao như: chợ, trung tâm thương mại, trường hợc, các cơ sở khám chữa bệnh, nuôi dưỡng người già…
“Nói đi kiểm tra phải có nội dung đối tượng, nội dung, cách thức chuẩn. Kiểm tra phải kèm với hướng dẫn chi tiết để thực hiện. Đã là quy định mà không chấp hành nghiêm thì phải xử lý đúng quy định. Các kiến nghị của các đơn vị về việc chuẩn bị khai giảng hay hoạt động của các cơ sở tôn giáo, thờ tự trong tháng 7 Âm lịch thì Ủy ban Nhân dân thành phố cần sớm có trả lời hướng dẫn ngay trên cơ sở bám sát tình hình; không lơ là, chủ quan,” ông Đào Đức Toàn nhấn mạnh./.