Hà Nội yêu cầu không tổ chức các lễ hội tốn kém, lãng phí dịp đầu Xuân

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị Ban Tổ chức lễ hội không tổ chức tốn kém, lãng phí; không lợi dụng lễ hội để trục lợi, nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan
Hà Nội yêu cầu không tổ chức các lễ hội tốn kém, lãng phí dịp đầu Xuân ảnh 1Những con đò tiếp nối nhau trên suối Yến, đưa du khách hành hương lễ Phật trong Lễ hội chùa Hương. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước với 1.206 lễ hội trải dài trong năm, trong đó tập trung chủ yếu vào mùa Xuân.

Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác quản lý và tổ chức lễ hội để đảm bảo việc tổ chức phải trang trọng, tiết kiệm, một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh.

Không lợi dụng lễ hội để trục lợi

Hai năm qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lễ hội chỉ diễn ra phần lễ còn phần hội gần như bị hạn chế. Năm nay, các địa phương đều có phương án chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống và chắc chắn sẽ thu hút được số lượng người khá đông tham gia lễ hội, thậm chí là có thể đột biến về số lượng người tham gia cũng như các hoạt động.

Ngày 9/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Sở đề nghị Ban Tổ chức lễ hội không tổ chức tốn kém, lãng phí; không lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Ban Tổ chức lễ hội cần nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội.

Trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử-văn hóa, Ban Tổ chức cần nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ. Khu vực lễ hội không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định…

Bởi vậy, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đảm bảo đúng nghi lễ truyền thống và văn minh, an toàn là sự quan tâm của ngành văn hóa và cả các cấp, ngành thành phố. Việc tổ chức tốt công tác lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo hình ảnh đẹp để thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Các địa phương không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; tuyên truyền nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.

[Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm mùa Lễ hội Xuân]

Trước đó, vào tháng 12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 5256/ BVHTTDL-VP về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023.

Công văn nêu rõ địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui Xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Một số lễ hội nổi bật của Hà Nội

Một trong những lễ hội tổ chức sớm thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Hà Nội và du khách thập phương là Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào ngày 26/1 (tức mùng 5 tháng Giêng Âm lịch). Năm nay, quận Đống Đa tổ chức lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, qua đó không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) năm 2023 cũng gắn với lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây là một trong bốn lễ hội lớn của Hà Nội diễn ra ngày 27/1 (tức mùng 6 tháng Giêng Âm lịch).

Theo Ban tổ chức, lễ hội năm nay vẫn diễn ra với nghi lễ rước kiệu từ đình Hạ Lôi về đền Hai Bà Trưng, tổ chức tế lễ theo nghi thức truyền thống của địa phương cùng chương trình lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao.

Trong khi đó, huyện Đông Anh có 98 lễ hội truyền thống diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 11 Âm lịch, trong đó có 51 lễ hội diễn ra trong tháng Giêng. Lễ hội Cổ Loa và lễ hội đền Sái là hai lễ hội lớn của huyện, khai hội vào ngày 27/1 (mùng 6 tháng Giêng) và ngày 1/2 (ngày 11 tháng Giêng).

Riêng với Lễ hội chùa Hương, một lễ hội quy mô lớn và kéo dài nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, việc đảm bảo sự an toàn, văn minh, thân thiện trong tổ chức và quản lý lễ hội càng được chú trọng. Nơi thắp hương, nến, hóa sớ được nhà chùa và Ban Tổ chức bố trí đảm bảo an toàn, tránh xảy ra cháy nổ.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, năm nay, Lễ hội chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4/3 năm Quý Mão 2023). Ngày khai hội là ngày 27/1 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng).

Lễ hội dự kiến sẽ thu hút đông đảo khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc. Bởi vậy, ngay từ đầu, Ban Tổ chức lễ hội đã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức phù hợp, có sự phân công cụ thể cho các tiểu ban, để đảm bảo một mùa lễ hội vừa an toàn, lại vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh vô cùng lớn của người dân trong những ngày đầu Năm mới.

Khách tham quan cũng được hướng dẫn dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục