Chiều 25/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận, huyện. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ngô Văn Quý dự và chỉ đạo hội nghị.
Kiểm tra gần 3.400 phòng khám tư nhân
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 19/8 đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, tuy nhiên có 1 trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh ra viện nhưng dương tính trở lại với SARS-CoV-2 (Bệnh nhân 345).
Ngoài ra, còn có 1 trường hợp người Hà Nội xuất cảnh sang Nhật có kết quả xét nghiệm dương tính và vẫn có những trường hợp tiếp xúc liên quan với ca bệnh tại ổ dịch ở Hải Dương. Theo Sở Y tế nhận định, những trường hợp này có thể là nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng nếu không nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
[COVID-19: Hà Nội bàn cách phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh]
Đại diện Sở Y tế cho biết từ ngày 21/8-25/8, cơ quan này đã tổ chức khám sàng lọc 1.587 bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Còn tính trong vòng 20 ngày gần đây, ngành đã khám sàng lọc cho 7.384 bệnh nhân.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng tiến hành kiểm tra các bệnh viện công lập và tư nhân, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn.
“Sở kiến nghị thành phố chỉ đạo các quận huyện tiến hành kiểm tra công tác khám sàng lọc ở gần 3.400 các phòng khám tư nhân đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn. Đây cũng là một nguy cơ lớn nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch,” Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà báo cáo.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện Hà Nội “tạm thời yêu tâm” vì các trường hợp đi du lịch Đà Nẵng đã được xét nghiệm hết.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh giám sát các bệnh viện, các cơ sở y tế và chưa phát hiện ca nào lây nhiễm. Hà Nội vẫn tiếp tục làm tốt, kịp thời công tác khoanh vùng dập dịch.
“Về vấn đề ở các phòng khám tư nhân mà Hà Nội đề xuất sẽ kiểm tra là rất quan trọng. Để sót các ca nhẹ là rất nguy hiểm, sẽ lây lan sâu vào các bệnh viện,” Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu lưu ý.
Cũng theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, vấn đề các ca “tái nhiễm” và “tái dương tính” đang được thông tin nhầm lẫn, đây là hai khái niệm khác nhau.
“Tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới. Còn tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại. Trường hợp dương tính lại sẽ không lây lan cho người khác. Đây là thông tin cần tuyên truyền để người dân không hoang mang,” chuyên gia này giải thích.
Hà Nội khai giảng vào ngày 5/9, không tổ chức quá 45 phút
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin: Năm học 2020-2021, toàn ngành có 2.794 trường học với hơn 2 triệu học sinh, tiếp tục là địa phương có quy mô lớn nhất cả nước.
Để chuẩn bị cho năm học mới và lễ khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn liên ngành giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19 đầu năm học, tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động cho năm học 2020-2021.
Ông Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện tốt 2 văn bản trên đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tổ chức tốt "Ngày hội toàn dân đón trẻ đến trường".
Ngoài ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường trước ngày 1/9 kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch đồng thời xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho năm học 2020-2021 và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư y tế theo quy định như: Nhiệt kế điện tử, khẩu trang, nước sát khuẩn, nước rửa tay…
Ông cũng lưu ý ngành giáo dục phối hợp với các địa phương theo dõi sức khỏe cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh để kịp thời báo cáo các trường hợp nghi ngờ.
“Trước ngày tựu trường, yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức khai báo y tế trên hệ thống điện tử. Các nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, học sinh, phụ huynh học sinh cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh nhằm tự bảo vệ bản thân và cộng đồng,” ông Chử Xuân Dũng nói.
Đáng lưu ý, Giám đốc Chử Xuân Dũng đề nghị tất cả các trường trên toàn thành phố thống nhất tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9 theo hình thức thức trực tiếp. Đối với cấp học tiểu học, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng không quá 45 phút (từ 7h30-8h15) đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Trung ương, thành phố và liên ngành.
Trong lễ khai giảng, các trường chú trọng đón học sinh đầu cấp, tùy theo mỗi trường, bố trí tập trung học sinh dưới sân trường hoặc ngồi trên lớp và đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang; đặc biệt không tổ chức diễu hành, tổng duyệt, văn nghệ và không thả bóng bay.
Sau lễ khai giảng, học sinh lên lớp học tiết đầu tiên về giáo dục nếp sống văn minh, nội quy và công tác phòng chống dịch. Riêng cấp mầm non tổ chức khai giảng tại từng lớp học không quá 60 phút (từ 8h30-10h).
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các nhà trường tổ chức phân luồng đón đại biểu và học sinh tham dự lễ giảng theo đúng quy định. Đại biểu, cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh có biểu hiện ho, sốt không tham dự lễ khai giảng; phụ huynh học sinh không tụ tập trước cổng trường…
“Chương trình lễ khai giảng ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa và đảm bảo an toàn,” ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh thêm.
Vẫn còn hàng quán không đảm bảo giãn cách
Tại phiên họp, báo cáo của các quận, huyện cũng cho thấy việc dừng hoạt động, kiểm tra các quán karaoke, quán trà đá vỉa hè, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng… đã được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, việc kiểm tra thực hiện giãn cách phải thực chất hơn.
“Thực tế, chúng tôi đi kiểm tra trên 1 khu phố thì thấy các cửa hàng kinh doanh như quán phở, quán nhậu đều không tuân thủ theo các nội dung của thành phố…Vì vậy, đề nghị các quận, huyện phải vào cuộc thật sự, dứt khoát xử lý nghiêm và yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh không tuân thủ theo quy định,” Ông Nguyễn Khắc Hiền nói.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận Ban chỉ đạo thành phố sau khi kiện toàn vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng ghi nhận ngành giáo dục đã sớm đưa ra các phương án để tổ chức khai giảng năm học mới an toàn, trang trọng, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, lấy mục tiêu an toàn cho học sinh lên hàng đầu…
Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, bà Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị việc phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, kéo dài và vẫn phải thực hiện tốt, nhất là kỳ nghỉ 2/9 và khai giảng năm học mới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý các cấp, các ngành quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo Trung ương và thành phố về công tác phòng chống dịch, đặc biệt là việc đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, nhất tại các bệnh viện, chung cư, nhà hàng…
Yêu cầu các đơn vị phải thực hiện công tác phòng chống dịch với tinh thần kiên quyết, không để xảy ra chậm trễ trong việc xử lý, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại phạm vi mình quản lý.
“Thành ủy sẽ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để đánh giá năng lực, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy,” bà Ngô Thị Thanh Hằng quán triệt.
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm phòng dịch của cả hệ thống chính trị và người dân cũng như khẩn trương ban hành các quy định cụ thể phòng dịch phù hợp với tình hình từng địa phương, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và “xử lý nghiêm đối với các đơn vị chưa làm tốt và công khai, minh bạch thông tin cho người dân biết”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng yêu cầu các đơn vị phát hiện, xử lý nhanh nhất, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để khi có ca bệnh mới phát sinh; xác minh, cách ly lấy mẫu F1, F2, phấn đấu “24 h phải hoàn thành”./.