Hà Nội yêu cầu báo cáo số lượng và danh sách lái xe Uber, Grab

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng, gồm cả Grab, Uber trên địa bàn thành phố báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh.
Hà Nội yêu cầu báo cáo số lượng và danh sách lái xe Uber, Grab ảnh 1Hành khách gọi xe thông qua ứng dụng phần mềm của Uber. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng, gồm cả Grab, Uber trên địa bàn thành phố báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Việc làm này được ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lý giải nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô và đánh giá hiệu quả công tác thí điểm.

“Nội dung báo cáo bao gồm danh sách phương tiện và lái xe, kết quả hoạt động kinh doanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông tại từng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Hạn chót nộp báo cáo là trước ngày 30/10 tới đây,” ông Viện cho hay.

[Taxi truyền thống không xin bảo hộ, tuyên chiến với Uber và Grab]

Trước đó, ngày 7/1/2016, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT thí điểm hoạt động của taxi công nghệ. Theo văn bản này, Grab, Uber là các công ty cung cấp phần mềm kết nối đặt xe, sẽ hợp tác với các hãng xe có giấy phép vận tải hành khách theo hợp đồng để vận chuyển hành khách bằng xe ôtô dưới 9 chỗ trên địa bàn thí điểm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp nhận đề xuất và đồng thuận cho phép 9 đơn vị gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi (Grab Car), Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam (Uber), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car) để triển khai các đề án thí điểm.

Mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội đã có kiến nghị dừng hoạt động xe chở khách Uber và Grab ngay trong tháng 9/2017 và tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.

[Bộ Giao thông vận tải lên tiếng về kiến nghị dừng Uber và Grab]

Trả lời về vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ vào đầu tháng Mười vừa qua, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Thủ tướng đã cho thí điểm và đang triển khai tại các đô thị và theo Luật Giao thông đường bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông từ quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải…

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, số lượng bao nhiêu sẽ được xác định thông qua quy hoạch và việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương.

"Đây là kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, địa phương sẽ xem xét, tùy theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương," Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục