Hà Nội xử phạt và nhắc nhở 456 người đội mũ bảo hiểm “rởm”

Ngày đầu tiên xử phạt mũ bảo hiểm “rởm” (1/7), cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử phạt được 4 trường hợp và nhắc nhở 452 trường hợp đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn.
Hà Nội xử phạt và nhắc nhở 456 người đội mũ bảo hiểm “rởm” ảnh 1Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra mũ bảo hiểm của người điều khiển phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo số liệu thống kê nhanh của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội, tính đến 16 giờ chiều nay (1/7), ngày đầu tiên xử phạt mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn, các Đội cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử phạt được 4 người điều khiển đội mũ bảo hiểm “rởm”, nhắc nhở 452 trường hợp.

Cụ thể, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra xử lý 565 trường hợp trong đó, có 4 trường hợp mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn; nhắc nhở 452 trường hợp đội mũ bảo hiểm cho người đi xe môtô, gắn máy; 133 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; tạm giữ 16 bộ giấy tờ và 1 phương tiện; phạt thành tiền gần 17 triệu đồng.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội cho rằng, việc áp dụng xử phạt tiền đối với người đội mũ bảo hiểm rởm chưa nên thực hiện ngay mà trước mắt phải nhắc nhở, tuyên truyền trên báo, đài, qua các lực lượng cảnh sát giao thông để người dân biết và tự ý thức việc đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, quy cách là văn minh và bảo vệ tính mạng khi tham gia giao thông.

“Giải pháp quan trọng nhất trong vấn đề này là phải xử phạt triệt để thật nặng các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không để các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm ‘lách’ luật để sản xuất. Muốn thực hiện được điều này, các lực lượng quản lý thị trưởng, cảnh sát kinh tế cũng phải vào cuộc,” Đại tá Đào Vịnh Thắng kiến nghị.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, chứ mục tiêu không phải là phạt ai, thu được bao nhiêu tiền.

“Trọng tâm của nửa cuối năm 2014 không phải là xử lý vi phạm mà phải tổ chức triển khai đảm bảo được cả ba khâu từ sản xuất, lưu thông đến tuyên truyền, sử dụng để người dân nhận thức được lợi ích của đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn và tác hại của đội mũ bảo hiểm giả cũng như các loại mũ không phải mũ bảo hiểm,” ông Hùng cho hay.

Nhấn mạnh đợt cao điểm xử lý sẽ là nhiệm vụ thường xuyên của các Ban An toàn giao thông địa phương, vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia bày tỏ quan điểm: “Đừng hy vọng có thể qua một đêm, một tháng, qua một quý có thể thay đổi được tình trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn mà là quá trình lâu dài, thành bại ở chỗ mức độ thay đổi nhận thức của người dân đến đâu. Việc đó phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của cơ quan chức năng.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục