Hà Nội xử lý trách nhiệm người đứng đầu chậm giải ngân đầu tư công

Theo UBND thành phố Hà Nội, đối với chủ đầu tư không đạt trên 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, thành phố sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư.
Dự án Trường mầm non Tây Hồ, 100% vốn đầu tư công, do Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, đã bàn giao và chuẩn bị đưa vào sử dụng. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Giải ngân vốn đầu tư công đã và đang là áp lực và là nhiệm vụ chính trị ưu tiên của Hà Nội trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Do là địa phương có nguồn vốn đầu tư công lớn, trong trường hợp giải ngân đúng tiến độ Hà Nội sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. Do vậy, Hà Nội đã lên kế hoạch "mạnh" tay xử lý việc ì ạch giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Lập hồ sơ thanh toán ngay khi khối lượng hoàn thành

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, tại văn bản số 357 BC-UBND ngày 7/12 nêu rõ, đối với chủ đầu tư không đạt tiến độ theo cam kết, chậm nộp báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, không đạt trên 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, thành phố xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư.

Đồng thời, gắn tiến độ đầu đầu tư công năm 2021 với đánh giá cuối năm về vai trò người đứng đầu trong thi đua khen thưởng. Ủy ban Nhân dân thành phố giao Kho bạc Nhà nước tổng hợp báo cáo kết quả giải ngân của các đơn vị cho Sở Nội vụ để tổng hợp làm căn cứ đánh giá.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, để các quận, huyện, đơn vị... có căn cứ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thành phố yêu cầu các sở ngành, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, khẩn trương nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu.

Đối với các dự án hoàn thành trong năm 2021, thành phố Hà Nội chỉ đạo tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất việc nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trình thẩm tra, phê duyệt theo đúng quy định.

[Giải ngân vốn đầu tư công chậm, ảnh hưởng hiệu quả đồng vốn Nhà nước]

Còn những dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021, thành phố yêu cầu tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán cho khối lượng hoàn thành đủ điều kiện.

Với các dự án khởi công mới năm 2021, đẩy nhanh việc chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực. Khẩn trương khởi công tất cả các công trình trong tháng 12/2021 đối với dự án được bố trí vốn khởi công mới năm 2021 nhưng đến nay chưa khởi công.

Nhằm hoàn thành các mục tiêu giải ngân, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư...; gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021.

Thành phố cũng chỉ đạo, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Loại bỏ, tháo gỡ các rào cản về cơ chế

Về nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công trong năm 2021 chưa đạt yêu cầu đề ra, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, thành phố nghiêm túc đánh giá một số nguyên nhân chủ quan chính ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án là do: Quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, quá trình chuẩn bị thực hiện dự án còn chậm; trong quá trình thực hiện, một số dự án phải thực hiện điều chỉnh. Trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ trên trước hết là do các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát. Ngoài ra, các rào cản, cơ chế, chính sách... cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Để gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang giao các sở chuyên ngành như: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông có liên quan tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tham mưu cho thành phố và Chính phủ, bộ ngành kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liến quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản cho các dự án thực hiện năm 2021 và các năm sau.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tính đến ngày 26/11, tỷ lệ giải ngân chung toàn thành phố mới đạt 44,4%. Ước tính năm 2021, toàn thành phố sẽ giải ngân được 38.887 tỷ đồng, đạt 84,3% kế hoạch thành phố giao và bằng 93,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cũng liên quan đến lĩnh vực đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công, chiều ngày 7/12, tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 nhiệm kỳ 2021-2026 xem xét hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố.

Theo dự kiến, nguồn vốn đầu tư công của Hà Nội năm 2022 là 51.072,9 tỷ đồng, thấp hơn dự kiến của Trung ương 510 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục