Chiều 3/7, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, thời gian qua, thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giải đoạn 2016-2020,” các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của thành phố Hà Nội đã kiên quyết, kiên trì phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học, chủ động tham mưu xử lý có hiệu quả các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Các cơ quan tư pháp của thành phố đã tập trung giải quyêt các vụ án tham nhũng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp do các cơ quan Trung ương chuyển đến được các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Do đó, tình hình tham nhũng, lãng phí đã được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn.
Báo cáo của Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 69 tổ chức đảng và 181 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 30 tổ chức đảng và 107 đảng viên có vi phạm. Các cơ quan thanh tra thành phố, sở, ngành, quận, huyện... đã triển khai 211 cuộc thanh tra, trong đó có 83 cuộc đột xuất. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 8,3 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 22 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 3,3 ha đất, kiểm điểm trách nhiệm 9 tập thể và 41 cá nhân vi phạm.
Còn trong năm 2017, thành phố giải quyết được 82/200 vụ việc phức tạp (chiếm 41%), đưa 37 vụ việc ra khỏi danh sách vụ việc tồn đọng phức tạp cần theo dõi, chỉ đạo, giải quyết. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 6,1 tỷ đồng và trên 27.000 m2 đất; hoàn trả cho công dân 8,79 tỷ đồng và trên 2.200 m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 132 tập thể, 202 cá nhân để xảy ra sai phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 15 vụ.
Cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội còn quan tâm chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố.
Kết quả nổi bật là Hà Nội đã thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết giảm trong công tác lập thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, sử dụng kinh phí và quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được hơn 14.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: hơn 13.000 tỷ đồng là tiết kiệm, tiết giảm theo điều hành của Chính phủ, của thành phố và phân bổ dự toán, 12000 tỷ đồng là tiết kiệm, tiết giảm trong sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng và 506 triệu đồng tiết kiệm khác. Ngoài ra, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương với tổng kinh phí tiết kiệm trên 876 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành uỷ cũng thẳng thắn nêu một số hạn chế, tồn tại như vẫn còn một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; chưa coi trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, lãng phí nên việc tuyên truyền còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc nắm, dự báo tình hình ở một số lĩnh vực có lúc chưa sâu, chưa kịp thời...
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên toàn địa bàn thành phố, các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương chính sách pháp luật của đảng và nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, trách nhiệm của các cơ quan thông tấn báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... góp phần xây dựng chính quyền minh bạch, Thủ đô văn minh, đẹp giàu./.