Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm trong trật tự xây dựng đô thị

Hà Nội hiện đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ và giải pháp, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Giải tỏa vi phạm tại hồ Ngòi (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Hà Nội hiện đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ và giải pháp, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị. Nhờ đó, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn toàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực, việc xử lý vi phạm được thực hiện theo đúng quy trình, quy định. Nhiều công trình vi phạm nổi cộm, phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân đã được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Tỷ lệ công trình vi phạm giảm

Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, qua kiểm tra 10.194 công trình trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, lực lượng chức năng đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 357 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 3,5%, giảm 249 công trình so với 6 tháng đầu năm 2018).

Trong số đó có 74 trường hợp xây dựng không phép; 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 162 trường hợp có các vi phạm khác. Kết quả, Ủy ban Nhân dân các cấp đã xử lý dứt điểm 276/357 trường hợp; đồng thời, ban hành 569 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt hơn 4,5 tỷ đồng.

Đối với 858 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ giai đoạn 2015-2017, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu Sở Xây dựng hoặc trực tiếp ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện; tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý cũng như biện pháp, lộ trình, thời hạn xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm còn tồn đọng theo chỉ đạo của Thành ủy-Ủy ban Nhân dân thành phố. Tính đến ngày 30/2/2019, các quận huyện đã xử lý, giải quyết 685 trường hợp; đang tiếp tục xử lý, giải quyết 173 trường hợp.

Đánh giá gần 1 năm thực hiện thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, việc điều chuyển các Đội về cấp huyện quản lý giúp lực lượng này bám sát địa bàn, dễ phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân quận huyện được tăng thẩm quyền trong điều hành, chỉ đạo, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất; hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh giữa các đơn vị. 

Hiện, 100% các công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ công trình có vi phạm giảm, số vụ việc tồn đọng giảm, tỷ lệ công trình có phép tăng. Các trường hợp vi phạm đã được cán bộ phát hiện và đề xuất biện pháp giải quyết kiên quyết, dứt điểm. Điều này có tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm, báo cáo và đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. Vì vậy, tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm còn chậm, hiệu quả xử lý một số vụ việc chưa được cao.

Đáng lưu ý, tại một số quận nội thành, nhất là huyện ngoại thành còn có tình trạng xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất công, đất hành lang an toàn giao thông, đất đê điều, thủy lợi. Song, trong quá trình thiết lập hồ sơ để xử lý vi phạm chưa thống nhất về mẫu biểu, điều khoản áp dụng đối với từng hành vi vi phạm dẫn đến việc lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý còn gặp nhiều khó khăn; hay việc áp dụng trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật không thống nhất dẫn đến xử lý vi phạm và ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế gặp không ít vướng mắc.

Một thực tế nữa xảy ra là đa số các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng là nhà ở riêng lẻ đô thị, việc xử lý liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh. Do vậy dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, khó nhất là đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, gây khiếu kiện phức tạp.

Trong khi đó, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị một số nơi còn thiếu, chất lượng cấp phép xây dựng chưa cao; quản lý đất đai, trật tự xây dựng còn hạn chế, thậm chí có nơi còn buông lỏng để xảy ra tình trạng đổ đất lấn chiếm, xây dựng móng, tường bao, công trình khác trên đất không được phép xây dựng.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Từ thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng tổ chức Thanh tra chuyên ngành xây dựng 3 cấp (Bộ, Sở, huyện) tại các đô thị đặc biệt để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước theo lĩnh vực chuyên ngành xây dựng; xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc cấp giấy phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn (quy định tại Điểm K Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014) theo hướng chỉ quy định việc miễn phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được phê duyệt.

Cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép ở Hà Đông. (Nguồn: hadong.hanoi.gov.vn)

Các trường hợp đã có quy hoạch xây dựng hoặc đã có quy hoạch nông thôn vẫn phải thực hiện việc cấp phép xây dựng.

Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến như sai quy hoạch, lấn chiếm không gian…(quy định tại Khoản 7 Điều 15) để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, đảm bảo tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở, hạn chế việc chuyển hồ sơ tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

Cùng với những kiến nghị trên, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Thành ủy-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp đảng, chính quyền thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Các đơn vị chức năng phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, về kết quả, tiến độ xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng; nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận và có những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, dung túng, bao che các trường hợp vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục