Hà Nội: Xóa điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các 'điểm đen' mới

Sau khi tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở hoàn thành, đi vào hoạt động, lượng phương tiện dồn về đây nhanh và nhiều hơn cũng khiến nút giao thông này trở thành 'điểm nóng.'
Cảnh ùn tắc ở khu vực Ngã Tư Sở. (Nguồn: Vietnam+)

Nhờ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện hiệu quả, cải thiện tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Số điểm ùn tắc giao thông tại thành phố đã giảm từ 44 điểm (năm 2015) xuống còn 33 điểm vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô còn diễn biến phức tạp, xóa điểm ùn tắc cũ lại phát sinh điểm ùn tắc mới.

Sau khi thông đường tuyến số 1 dự án đường bao quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đường 70 từ nút giao với tuyến số 1 đến nút giao với phố Phúc La (quận Hà Đông).

Lý do là hai ngã ba trên đoạn tuyến này quá gần nhau, lưu lượng phương tiện giao thông đổ dồn về đây dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện gây ùn tắc giao thông.

Chẳng hạn, đoạn đường 70 qua cổng Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) thường xuyên ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm do lượng phương tiện ra vào bệnh viện và các khu chung cư lân cận vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng.

[Audio] Hà Nội loay hoay tìm cách cách gỡ nút tắc tại Ngã Tư Sở

Tương tự, sau khi tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở hoàn thành, đi vào hoạt động, lượng phương tiện dồn về đây nhanh và nhiều hơn cũng khiến nút giao thông này trở thành một điểm nóng ùn tắc giao thông, tái diễn tình trạng ùn tắc giao thông.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng ùn ứ, lộn xộn giao thông thường xuyên xảy ra tại 2 đầu cầu vượt Lê Văn Lương-Láng và Trần Duy Hưng-Láng.

Tại đầu cầu Giẽ nối với quốc lộ 1 (thôn Hạ Giẽ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) hay trên các tuyến phố, nút giao thông như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương-Láng Hạ, Cầu Giấy-Xuân Thủy, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch, Minh Khai, Nguyễn Khoái, Xã Đàn, Khuất Duy Tiến... cũng thường xảy ra ùn ứ.

Về nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc giao thông tại nút giao Kim Mã-Liễu Giai, Liễu Giai-Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu-Lê Đức Thọ, phố Nguyễn Khang, cầu 361 đường Láng, Ngã Tư Sở, đường Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy-Vành đai 1, cầu Mai Động, nút giao Lê Quang Đạo-Châu Văn Liêm…, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết ngoài số lượng phương tiện giao thông tăng cao, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông hạn chế, các công trường thi công chiếm dụng mặt đường cũng gây ra tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Các chuyên gia giao thông cho rằng bên cạnh nguyên nhân chính là lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn tạo áp lực lên đường, nút giao thông trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ thì việc tổ chức, điều tiết giao thông của các cơ quan có trách nhiệm như Sở Giao thông Vận tải, Phòng Cảnh sát Giao thông chưa thật sự phù hợp cũng là nguyên nhân gây ùn tắc.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết những năm qua, cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Cùng với đó, điều chỉnh, tổ chức giao thông phù hợp với điều kiện hạ tầng và lưu lượng phương tiện tại từng thời điểm nhằm tối ưu hóa khả năng thông qua; cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên một số tuyến đường vào giờ cao điểm.

Thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh; sắp xếp luồng tuyến vận tải tại các bến xe nhằm hạn chế xe liên tỉnh vào nội đô và giảm ùn tắc trên tuyến đường vành đai 3… Nhờ đó, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn đã được cải thiện, số điểm ùn tắc đã giảm so với trước.

Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới.

Thành phố sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ các tuyến đường vành đai, trục đường hướng tâm, các cầu qua sông và các tuyến đường có tính chất liên vùng...; tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, thành phố cũng phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, điều hành giao thông; chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục