Hà Nội: Xét xử vụ doanh nghiệp kiện ngân hàng về trách nhiệm bảo lãnh

Phía bị đơn là Ngân hàng Agribank cho rằng Đỗ Đức Hưng (cựu Giám đốc Agribank Hồng Hà) ký các chứng thư bảo lãnh là vượt hạn mức, vượt thẩm quyền và trái quy định nên không có hiệu lực pháp luật.
Hà Nội: Xét xử vụ doanh nghiệp kiện ngân hàng về trách nhiệm bảo lãnh ảnh 1Ảnh minh họa.

Trong các ngày 27-29/9, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư PV2 và bị đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agirbank).

Đây là vụ tranh chấp xảy ra cách đây hơn 10 năm và đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân vụ tranh chấp bắt nguồn từ những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng khi có liên quan đến một vụ án hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2011, Công ty Cổ phần Đầu tư PV2 (viết tắt là PV2) ký kết hai hợp đồng cung ứng thép cho Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan (viết tắt là Công ty Vietsan) với giá trị lần lượt là hơn 21 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.

Cả hai hợp đồng này đều được Agribank Chi nhánh Hồng Hà phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán với cam kết trong trường hợp bên được bảo lãnh (Công ty Vietsan) vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng sẽ đứng ra thanh toán. Chứng thư bảo lãnh này do Đỗ Đức Hưng (cựu Giám đốc Agribank Hồng Hà) ký phát hành.

Quá trình thực hiện hợp đồng, PV2 đã giao đủ hàng hóa cho Công ty Vietsan nhưng phía Vietsan không trả đủ tiền. PV2 sau đó có văn bản yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng không được tổ chức tín dụng chấp nhận thanh toán. Do đó, PV2 đã khởi kiện ngân hàng ra tòa.

Tại thời điểm khởi kiện (tháng 8/2012), số nợ Vietsan chưa thanh toán cho PV2 là 23 tỷ đồng nợ gốc và 2 tỷ đồng nợ lãi.

[Xét xử nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Hồng Hà và đồng phạm]

Vụ án đã qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm với phán quyết buộc ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thanh toán cho PV2 với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng, gồm cả tiền gốc và tiền lãi.

Hai cấp tòa án nhận định rằng hai hợp đồng bảo lãnh do Đỗ Đức Hưng ký đóng dấu đúng thẩm quyền, có hiệu lực pháp luật. Bản án đã được thi hành và ngân hàng cũng đã trả cho PV2 số tiền như tòa phán quyết.

Tuy nhiên, tháng 4/2016, Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc vụ án. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy cả hai bản án (sơ thẩm, phúc thẩm) vì vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Cụ thể, quyết định giám đốc thẩm xác định năm 2012, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố Đỗ Đức Hưng về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, do liên quan đến hoạt động bảo lãnh ngân hàng.

Trong trường hợp này, tòa án cần phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp thương mại và chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự.

Tại vụ án hình sự, tháng 4/2017, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử bị cáo Đỗ Đức Hưng cùng đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng."

Ở vụ án này, tòa xác định bị cáo Hưng đã phát hành 15 chứng thư bảo lãnh trái pháp luật giúp sức cho đối tượng lừa đảo nên đã tuyên phạt 23 năm tù về hai tội danh nêu trên. Bản án hình sự trên đã có hiệu lực pháp luật và Đỗ Đức Hưng hiện đang chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, trong số 15 chứng thư bảo lãnh nói trên không có 2 chứng thư bảo lãnh cho Công ty Vietsan liên quan đến hai hợp đồng kinh tế với PV2. Do đó, vụ kiện kinh doanh thương mại giữa PV2 và ngân hàng được Tòa án quận Nam Từ Liêm tiếp tục đưa ra xét xử trở lại sau hơn 10 năm bị tạm đình chỉ.

Tại phiên tòa, phía PV2 cho rằng các chứng thư được phát hành phù hợp với quy định của pháp luật và không nằm trong số 15 chứng thư vi phạm pháp luật. Thời điểm ký chứng thư bảo lãnh cho Công ty Vietsan, Đỗ Đức Hưng có đầy đủ thẩm quyền nên ngân hàng phải có nghĩa vụ thanh toán tiền cho PV2.

Trong khi đó, phía bị đơn là Ngân hàng Agribank cho rằng Đỗ Đức Hưng ký các chứng thư bảo lãnh là vượt hạn mức, vượt thẩm quyền và trái quy định nên không có hiệu lực pháp luật.

Theo bị đơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank cũng đã có các văn bản quy định về phân cấp hạn mức tín dụng, thẩm quyền bảo lãnh liên quan đến việc phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán tại Chi nhánh Hồng Hà. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án lại chưa có các tài liệu mà phía ngân hàng nêu ra cùng một số tài liệu khác liên quan.

Cho rằng xuất hiện tình tiết mới cần phải được xem xét, thẩm tra kỹ, ngày 29/9, Hội đồng Xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để xem xét, xác minh đánh giá chứng cứ. Ngày mở lại phiên tòa chưa được thông báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục