Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; đề cao hơn ý thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ngày 13/1, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao các quận, huyện, thị xã tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn cho người dân.
Phấn đấu trong năm 2023, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 100% người làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở thuộc diện quản lý được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
[Báo động nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tại các khu tập thể cũ ở Hà Nội]
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trước tình hình xã hội hiện nay cần nghiên cứu đổi mới về tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp.
Trong trường hợp cháy nổ xảy ra, thành phố sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài việc siết chặt kỷ cương trong phòng, chống cháy nổ, thành phố Hà Nội sẽ công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung quanh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải được thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong lĩnh vực phòng, cháy chữa cháy.
Liên quan đến thực trạng cháy nổ tiềm ẩn tại các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, trước đó, ngày 1/8/2022, vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy) làm 3 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an quận Cầu Giấy hy sinh khi tham gia chữa cháy, cứu nạn.
Trên địa bàn thành phố cũng từng xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản như ngày 21/4/2022, vụ hỏa hoạn tại ngõ 65, phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa) khiến 4 người tử vong.
Hiện đang trong những ngày cuối năm âm lịch, nhiều gia đình ở Thủ đô mua rất nhiều vàng mã rồi hóa ngay trong khu dân cư, hành lang tòa nhà để cúng tiễn năm cũ. Việc làm này không chỉ gây tốn kém về tiền bạc, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ hỏa hoạn./.