Hà Nội: Xây dựng tuyến vành đai 4 làm "huyết mạch" phát triển kinh tế

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh, thành phố nhằm tạo đà phát triển kinh tế-xã hội cao nhất.
Hà Nội: Xây dựng tuyến vành đai 4 làm "huyết mạch" phát triển kinh tế ảnh 1Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của thành phố Hà Nội đã được tổ chức chiều 20/4.

Theo Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh, đây là hội nghị quan trọng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD

Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của thành phố Hà Nội lấy ý kiến qua 4 vòng, gắn với 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII).

Theo dự thảo, đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa và GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Trong dự thảo cũng đặt ra mục tiêu: tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8,0%...

[Hà Nội triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị]

Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố Hà Nội đặt ra 3 khâu đột phá, trong đó thành phố ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.

Cùng đó là tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số…

Dự thảo kế hoạch cũng nêu rõ một số cân đối lớn cần đảm bảo. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1.405 nghìn tỷ; dự kiến tổng chi ngân sách địa phương khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng.

“Thành phố sẽ từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, phấn đấu đến năm 2025 ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí cho chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ở mức hợp lý…,” đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Tập trung phát triển các ngành mũi nhọn

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết theo dự thảo kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành công thương Hà Nội rất lớn, trong đó Sở Công Thương sẽ phối hợp tập trung phát triển thêm 2-3 khu công nghiệp mới.

Hà Nội: Xây dựng tuyến vành đai 4 làm "huyết mạch" phát triển kinh tế ảnh 2Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xác định ngành nghề chủ lực, mũi nhọn và tạo tiền đề phát triển sản xuất công nghiệp.

“Nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp; thành lập mới 46 cụm công nghiệp, Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn,” bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Đối với lĩnh vực thương mại, theo bà Lan, Sở Công Thương xác định tập trung thu hút đầu tư hạ tầng thương mại. Khu vực vùng nông thôn tiếp tục thực hiện cải tạo, xây dựng hệ thống chợ khang trang, sạch đẹp, tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố lâu dài.

Ngoài ra, thành phố sẽ phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, phát triển hệ thống máy bán hàng tự động… và ngành công thương sẽ tập trung chỉ đạo những lĩnh vực phụ trách để phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch cho biết chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 là đạt 35 triệu khách du lịch với tổng doanh thu hơn 150.000 tỷ đồng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, điều quan trọng trong thời gian tới là phải bảo đảm môi trường an toàn để đón khách quốc tế. Sở đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ đón khách quốc tế trở lại.

Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch, Sở sẽ tập trung ra sản phẩm độc đáo, tập trung vào các sản phẩm chủ lực mới, phát triển hạ tầng du lịch.

“Chúng tôi sẽ coi trọng phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số. Sở xin đăng ký là đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số,” ông Trần Trung Hiếu nêu ý kiến.

Liên quan đến phát triển du lịch, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho hay địa bàn quận Hoàn Kiếm xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch, do đó quận đang tập trung cho quy hoạch; tập trung phát triển kinh tế đêm, tổ chức các không gian phố đi bộ gắn với các phố nghề để thúc đẩy phát triển du lịch; cải tạo hạ tầng, gắn với công nghệ trong quản lý đô thị, phát triển du lịch…

Trước các ý kiến đưa ra, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với dịch bệnh có diễn biến khó lường. Các chỉ tiêu, mục tiêu tổng quát đã được Đại hội Đảng bộ thành phố chỉ rõ, các chỉ tiêu cụ thể cũng được nêu rõ trong 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII).

“Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát cụ thể, rõ trách nhiệm phần việc của từng đơn vị, bởi một số chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người; thu gom xử lý 100% rác thải hằng ngày; xử lý nước thải; cấp nước sạch cho 100% đô thị nông thôn là cao. Từ đó phải có những đề án, dự án cụ thể trong kế hoạch để thực hiện các mục tiêu đó,” ông Nguyễn Trọng Đông lưu ý.

Đặc biệt, ông Đông nêu rõ: "Cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh, thành phố nhằm tạo đà phát triển kinh tế-xã hội cao nhất,"

Nêu việc dự thảo có 303 nhiệm vụ giao các sở ngành, quận huyện, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các nhiệm vụ này phải rõ ràng hơn, tập trung vào thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy.

Cùng ý kiến này, Phó Chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội-Hưng Yên-Bắc Ninh; đồng thời củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục