Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Hà Nội mở rộng, phát triển thêm 36.750ha diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện.
Năm 2011, Hà Nội có 22,4% diện tích lúa chất lượng cao, đến năm 2014 là 36,6%. Các vùng lúa chất lượng cũng đã hình thành như: Đông Anh, Sóc Sơn với giống Nếp cái hoa vàng; Phúc Thọ với giống lúa Hương Thơm số 1; Thanh Oai, Thường Tín với giống lúa Bắc Thơm số 7...
Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết trong vụ Mùa 2015, Trung tâm sẽ xây dựng thêm 17 điểm sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng an toàn tại 7 huyện ngoại thành với quy mô 455ha.
Các điểm tham gia chương trình sẽ được Thành phố hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân được tập huấn về kỹ thuật: gieo cấy, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh, bảo quản chế biến lúa sau thu hoạch và được đào tạo về kỹ năng tuyên truyền, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là hướng đi đúng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn liền với phát triển sinh thái đô thị bền vững, tạo các mô hình điểm tiêu biểu về sản xuất lúa chất lượng theo hướng an toàn.
Với mục tiêu hướng tới xây dựng thương hiệu gạo sạch, an toàn, trong vụ Xuân năm 2015, Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội triển khai mô hình điểm 150ha lúa hàng hóa an toàn VietGAP tại 7 xã của 4 huyện: Tam Hưng, Thanh Văn, Thanh Thùy (Thanh Oai), Thanh Xuân, Minh Trí (Sóc Sơn), Tốt Động (Chương Mỹ) và Hát Môn (Phúc Thọ).
Hiện trung tâm đã lựa chọn một số giống lúa chất lượng cao như: Bắc Thơm số 7, Nàng Xuân, T10 để đưa vào sản xuất. Đây là các giống lúa ngắn ngày, chất lượng tốt.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng để khuyến khích nông dân nhân rộng diện tích cấy lúa hàng hóa chất lượng cao, các huyện cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ riêng đối với số diện tích gieo cấy này.
Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy liên kết, hợp tác 4 nhà trong sản xuất, bảo quản chế biến, tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa.
Mặt khác, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần sớm có hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ theo Nghị quyết 25/2013 - HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố đối với các đối tượng tham gia chương trình./.