Hà Nội xây dựng gia đình an toàn, đẩy lùi đại dịch COVID-19

Để xây dựng “mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch," khơi dậy những nét đẹp gia đình trong phòng, chống dịch COVID-19, ngành văn hóa Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng.
Lực lượng thanh niên xung phong phường Giáp Bát chuyển lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội và cả nước đang diễn biến phức tạp, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch," các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đang nâng cao trách nhiệm của từng gia đình trong phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều mô hình mới đã được triển khai, tạo chuyển biến trong nhân dân, nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

An toàn trong mỗi gia đình

Hà Nội đang trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, chị Trần Thị Hồng Hương (đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) làm việc trực tuyến ở nhà, thay vì đến cơ quan như mọi khi. Thời điểm này, các con chị cũng đang nghỉ ở nhà để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Sau mỗi giờ làm việc của chị và thời gian tự học của các con, mấy mẹ con cùng nhau quét dọn nhà, vào bếp làm bánh, nấu ăn hoặc cùng đọc sách, chơi trò chơi. Dù không được ra ngoài như mọi khi, trẻ con cũng buồn chán nhưng chị luôn động viên các con ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường, tiếp xúc với người khác.

Bản thân chị mỗi tuần chỉ đi chợ một lần, mọi công việc không cần thiết đều gác lại. Bởi lẽ chị lo ngại, chỉ một chút chủ quan, rất có thể chị, các con bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến chính mình và những người xung quanh.

Chị Trần Thị Hồng Hương chia sẻ mỗi ngày, nhìn số người lây nhiễm tại các tỉnh, thành phía Nam liên tục tăng, chị rất lo lắng, ngay cả Hà Nội cũng chưa biết khi nào sẽ khống chế được dịch. Điều cần thiết hiện nay là mỗi người, mỗi gia đình phải tự ý thức bảo vệ mình mới tránh được dịch bệnh lây lan.

Thực tế, nhiều gia đình có quan điểm giống nhà chị Trần Thị Hồng Hương, luôn thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan về dịch bệnh. Trên các tuyến đường Hà Nội, lượng người ra đường vẫn đông. Nhiều người ra đường với lý do không chính đáng, trong khi lực lượng chức năng đang ngày đêm gồng mình chống dịch.

Bởi vậy, việc nâng cao ý thức người dân, trước hết, đảm bảo an toàn cho các gia đình được nhiều quận, huyện trên, thị xã địa đang tích cực thực hiện.

Một trong những địa phương đi đầu là quận Hai Bà Trưng. Quận đã triển khai việc đăng ký và cam kết “Gia đình an toàn COVID-19” đến các hộ trên địa bàn. Sau ba ngày triển khai (từ 21-23/8) đã có 79.212/80.350 hộ gia đình trong toàn quận cam kết thực hiện, đạt 98,6%.

[Phát huy 'sức mạnh mềm' trong phòng, chống dịch tại Hà Nội]

Mục đích của việc ký cam kết là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Các gia đình thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt, chấp hành nghiêm thông điệp 5K ở mọi lúc, mọi nơi; tự theo dõi sức khỏe hằng ngày các thành viên trong gia đình.

Người dân cam kết tự giác ở nhà sau giờ làm việc, học tập, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài; không đến nhà người khác và không cho người khác vào nhà nếu không có việc thật sự cần thiết; tuyệt đối không tụ tập đông người tại gia đình, bên ngoài cộng đồng, không đi đến vùng có dịch.

Đây là hoạt động thiết thực để bảo vệ sức khỏe chính mình, gia đình và cộng đồng, đồng thời góp phần chia sẻ cùng lực lượng phòng, chống dịch đang ngày đêm trực chốt, kiểm soát “vùng đỏ," canh giữ, bảo vệ “vùng xanh” của quận Hai Bà Trưng.

Lan tỏa nét đẹp của gia đình trong phòng, chống dịch

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung lực lượng quyết tâm bảo vệ các “vùng xanh," đảm bảo sự an toàn của người dân trước đại dịch COVID-19, huyện Phúc Thọ còn có sáng kiến tổ chức Hội thi trực tuyến “Yêu nước, hãy ở nhà! Gia đình thêm gắn kết."

Hội thi nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình trong việc chấp hành giãn cách xã hội và các quy định phòng, chống dịch COVID-19; tạo cơ hội gắn kết giữa từng thành viên trong gia đình, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Các nội dung hoạt động của bài thi rất thú vị, gồm: bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình, vừa ăn vừa theo dõi thời sự, xem tin tức diễn biến của dịch bệnh, mọi người cùng trò chuyện, quan tâm đầy yêu thương và thấu hiểu hơn khi thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà chống dịch, chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết.

Cả gia đình còn tổ chức các hoạt động chung như: cùng nhau xem một bộ phim, đọc sách, làm việc nhà, chơi trò chơi, chăm sóc hoa cây cảnh, hoạt động thể dục thể thao, thể hiện một bài hát tập thể, vẽ tranh, đánh đàn… Bài thi gồm bài viết ngắn gọn kèm hình ảnh hoặc tham dự thi bằng video clip. Thời gian nhận bài dự thi từ 10/8 đến 30/8/2021.

Theo ông Vũ Hồng Hải, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ, đây cũng chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, mái ấm và nền nếp, gia phong của mỗi gia đình; trân trọng, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, từ đó bồi đắp, lan tỏa giá trị tốt đẹp của gia đình trong cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19.

Ngõ 330 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân bị phong tỏa để phòng, chống dịch. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Để xây dựng “mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch," khơi dậy những nét đẹp gia đình trong phòng, chống dịch COVID-19, ngành văn hóa Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, ngành văn hóa chú trọng công tác xây dựng gia đình gắn với phòng, chống dịch. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung tay của người dân, ông Nam tin rằng dịch bệnh trên địa bàn thành phố và cả nước sẽ sớm được đẩy lùi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục