Hà Nội xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân, khích lệ di sản “sống"

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định Sở sẽ sớm hoàn thiện dự thảo để trình UBND thành phố Hà Nội ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Hà Nội xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân, khích lệ di sản “sống" ảnh 1Ca nương Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị (huyện Gia Lâm) dạy nghệ thuật ca trù cho du khách tại phố cổ Hà Nội, tháng 9/2020. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Câu chuyện về hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội được nhắc tới nhiều năm qua, với những nỗi niềm của các nghệ nhân và người gìn giữ di sản văn hóa.

Sau thời gian dài chưa thực hiện, Hà Nội đã tính đến và lần đầu tiên tổ chức bàn về vấn đề này với sự tham gia của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cùng những người xây dựng chính sách trong một cuộc tọa đàm tổ chức ngày 31/3.

Dù muộn, nhưng tọa đàm "Xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội" vẫn rất cần thiết, đáp ứng niềm mong mỏi của những người gìn giữ di sản văn hóa lâu nay.

Khó khăn trong gìn giữ, thực hành di sản

Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội là địa phương có số lượng di sản văn hóa phi vật thể nhiều về số lượng, đầy đủ về loại hình và có bề dày thực hành lâu năm.

Cùng với đó, Hà Nội có 76 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân.

Năm 2020, thành phố tiếp tục gửi danh sách tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể.

Đến nay, Hội đồng xét tặng cấp Bộ đã thông qua và trình Hội đồng cấp Nhà nước phong tặng 11 Nghệ nhân Nhân dân, 60 Nghệ nhân Ưu tú.

[Cả nước có 71 cá nhân được đề nghị xét danh hiệu Nghệ nhân nhân dân]

Hầu hết các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là người cao tuổi, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, thu nhập thấp, không ổn định. Trong số đó, một số nghệ nhân đã già yếu, không có điều kiện về kinh tế nên khả năng trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ rất khó khăn.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong số những nghệ nhân đã được phong tặng có 47 người không có lương hay thu nhập ổn định. Trong số người đang chờ quyết định phong tặng nghệ nhân, có 53 người không có lương và thu nhập ổn định.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân (quận Thanh Xuân), Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Kim Dung cho biết dù đã 70 tuổi nhưng chưa khi nào bà được nhận kinh phí từ câu lạc bộ. Tuy nhiên, với tâm huyết nghệ thuật xẩm, chèo, bà vẫn miệt mài duy trì, truyền dạy cho mọi người.

"Nếu thành phố quan tâm đến các nghệ nhân đó là nguồn động viên để họ truyền hết đam mê, gìn giữ và phát huy di sản,",Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Kim Dung chia sẻ.

Đối với các Câu lạc bộ Di sản Văn hóa phi vật thể, tuy có sự hỗ trợ một phần của địa phương song chủ yếu vẫn do các thành viên tự đóng góp. Việc hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động của các Câu lạc bộ còn hạn chế, thiếu kinh phí để mua sắm trang phục, đạo cụ luyện tập, truyền dạy, tham gia hội thi, hội diễn… ảnh hưởng lớn công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống từ cộng đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát dô Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai cho biết, địa phương đã đầu tư kinh phí nhưng chỉ bớt khó khăn phần nào. Bà mong muốn, thành phố cấp kinh phí để bảo tồn, tránh mai một loại hình nghệ thuật này. Đó cũng là mong muốn của nhiều người gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội.

Sớm ban hành chính sách đãi ngộ

Hiện nay, cả nước có 12 tỉnh, thành phố đã ban hành, thực hiện chính sách đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân và câu lạc bộ trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể. Điển hình là các địa phương như Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thái Bình…

Hà Nội xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân, khích lệ di sản “sống" ảnh 2Đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự vẫn không rời khung thêu. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)

Các chuyên gia về bảo tồn di sản cùng đại diện nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đều nhất trí rằng việc sớm xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân là cần thiết. Đây là thông lệ trên thế giới, bởi nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống.

Việc có chính sách đãi ngộ như mức phụ cấp thường xuyên hàng tháng giúp nhiều nghệ nhân bớt khó khăn trong cuộc sống là sự động viên, khuyến khích, giúp họ yên tâm, có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng các nghệ nhân chưa nhận được sự đãi ngộ thường xuyên. Trong khi đó, một số nghệ nhân cao tuổi, không có lương hưu gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy việc xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân và câu lạc bộ cần được quan tâm để nghệ nhân đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Thực tế, tại Hà Nội, dù thành phố chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ văn hóa phi vật thể nhưng các quận, huyện, xã cũng có sự quan tâm nhất định. Tuy không thường xuyên nhưng một số địa phương có đầu tư một phần kinh phí vào việc mua sắm trang phục và hỗ trợ các lớp đào tạo.

Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được Ủy ban nhân dân thành phố giao xây dựng dự thảo về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để đề xuất Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành nghị quyết thông qua.

Cùng với chế độ hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất chế độ hỗ trợ luyện tập, biểu diễn, tham gia hoạt động của nghệ nhân, câu lạc bộ; đề xuất mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, Sở sẽ nhanh chóng hoàn thiện dự thảo để trình ủy ban nhân dân thành phố sớm ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục