Việc thành phố Hà Nội xúc tiến triển khai xây dựng bến xe Yên Sở nằm trên đường vành đai 3 đã làm "nóng" dư luận trong những ngày qua. Lúc này nhiều câu hỏi được đặt ra và tỏ ra e ngại xoay quanh vấn đề quy hoạch, mục đích giao đất cũng như gây lãng phí của dự án này.
Bến xe nằm trong quy hoạch
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong quá khứ Hà Nội đã từng loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách trung hạn khác nằm trong nội đô, cách bến xe Yên Sở khoảng 2km vì thấy bất cập trong quy hoạch bến xe. Còn theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4, nhưng nay lại xây thêm bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô.
“Kế hoạch này sẽ gây lãng phí vì bến xe chỉ hoạt động vài năm sẽ được di chuyển đi nơi khác,” Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận xét.
[Sở GTVT Hà Nội nói gì về việc ‘nhét thêm’ bến xe sát đường vành đai 3?]
Trước những thắc mắc về việc liệu bến xe Yên Sở có phù hợp với quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Ngô Mạnh Tuấn giải thích, bến xe khách Yên Sở đã được xác định trong Đồ án quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.
Bến xe khách này được định hướng là bến xe khách trung hạn, dự kiến đầu tư giai đoạn 2016-2020 đồng thời, quy hoạch bến xe khách này cũng được xác định trong Đồ án quy hoạch phân khu đô thị H2-4 có vị trí nằm ở phía Nam đường vành đai 3, gần khu vực Yên Sở với quy mô bến xe có diện tích khoảng 3,2ha.
Tại Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Sở Giao thông Vận tải và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập thì bến xe Yên Sở tiếp tục được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn với chức năng giảm tải cho ba bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm và Gia Lâm.
Trong giai đoạn hiện nay, sau khi đầu tư xong, bến xe Yên Sở và bến xe Cổ Bi sẽ tổ chức nghiên cứu điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại bến xe Giáp Bát về 2 bến xe này nhằm giảm tải áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A hiện nay. Bến xe Giáp Bát sẽ chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
Về lâu dài đối với khu vực phía Nam, sau khi đầu tư hoàn thành bến xe khách chính phía Nam (Khu vực Ngọc Hồi-Đường vành đai 4) thì bến xe Yên Sở và bến xe Nước Ngầm sẽ đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp với bãi đỗ xe (Các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 2 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam).
“Như vậy, tại thời điểm hiện nay, quy hoạch bến xe Yên Sở đã được xác định trong Đồ án quy hoạch Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đồ án quy hoạch phân khu hoặc phân khu đô thị H2-4 được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt. Việc tiếp tục quy hoạch bến xe Yên Sở (bến xe khách liên tỉnh trung hạn) trong Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được nghiên cứu thể hiện tính nhất quán, thống nhất và đồng bộ giữa các Đồ án quy hoạch. Ngoài ra, việc triển khai xây dựng bến xe Yên Sở trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp với định hướng trong Đồ án quy hoạch Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,” ông Ngô Mạnh Tuấn nhấn mạnh.
Còn đó những băn khoăn
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, về lâu dài sau khi xây dựng xong bến xe phía Nam ở khu vực vành đai 4, bến xe Yên Sở sẽ chuyển đối chức năng thành đầu mối trung chuyển hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe. Tuy nhiên, đến nay thời gian thực hiện dự án bến xe phía Nam vẫn đang chờ.
“Bến xe khách phía Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Đây là đầu mối, tổ hợp giao thông lớn của thành phố gồm cả đường sắt và đường bộ, liên quan đến hệ thống vành đai 4. Tuy nhiên, muốn phát huy hiệu quả thực sự thì phải hình thành được vành đai 4, nhưng việc cấp phép dài hạn như vậy do chưa biết khi nào bến xe khu vực vành đai 4 được xây dựng,” đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết.
Tuy nhiên, thời hạn giao đất đến 50 năm cho bến xe trung hạn khiến các chuyên gia tỏ ra băn khoăn. Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, nếu làm bến xe trung hạn mà thời hạn lên đến 50 năm thì thời gian còn lại khai thác công trình thương mại có thu, có lợi nên ứng xử như giao đất cho các công trình phát triển thương mại, sòng phẳng như các đối tượng được giao đất khác, có đấu thầu, có giá thành tương ứng với thị trường.
Còn theo chuyên gia giao thông, giáo sư-tiến sỹ Từ Sỹ Sùa, một bến xe chỉ phát huy hiệu quả khi hạ tầng đồng bộ. Nếu làm công trình công cộng phải tổng hòa được lợi ích của người dân và doanh nghiệp, quan trọng hơn mục đích giao đất phải được xác định ngay từ đầu; đồng thời sẽ trở thành quy hoạch treo gây lãng phí xã hội, lãng phí đầu tư./.