Hà Nội: Vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất công ích ở Sơn Tây

Thường trực Hội đồng Nhân dân thị xã Sơn Tây chỉ rõ tình trạng ao hồ bị san lấp, lấn chiếm còn nhiều, trong đó có rất nhiều ao, hồ nằm trong danh mục không được san lấp theo quy định của thành phố.
Hà Nội: Vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất công ích ở Sơn Tây ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn thị xã Sơn Tây cho thấy còn nhiều tồn tại và vướng mắc dẫn đến hiệu quả sử dụng hạn chế, còn nhiều vi phạm về đất đai. 

Hơn 230ha đất công ích bị bỏ hoang

Theo thống kê, thị xã Sơn Tây hiện có 364,771ha đất công ích, với khoảng hơn 4.150 thửa đất, chiếm khoảng 6,8% đất nông nghiệp.

Đến tháng 5/2023, thị xã tổ chức đấu giá 6 thửa với tổng diện tích 13,694ha; số diện tích đang giao cho các hộ dân sử dụng trồng, cấy là 102,03ha; diện tích đang cho thuê thầu (chưa thanh lý hợp đồng) là 6,63ha.

Đáng chú ý, hiện nay vẫn còn 232,076ha đã thanh lý hợp đồng nhưng chưa bàn giao mặt bằng do vướng mắc về thanh lý tài sản sau khi hết hạn hợp đồng hoặc bỏ hoang, đang thâm canh, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Đánh giá về thực trạng quản lý, sử dụng đất công ích, Thường trực Hội đồng Nhân dân thị xã Sơn Tây cho hay do chưa có sự thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai dẫn đến việc không xác định được mốc giới đất công ích là diện tích 5% trong các thửa đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/NĐ-CP cho các hộ dân và các thửa đất công ích khác. Vì vậy, việc quản lý và tổ chức đấu giá rất khó khăn.

Phần lớn các xã, phường chưa thiết lập hồ sơ quản lý đến từng thửa đất công ích, không có trích đo diện tích cụ thể, có đơn vị không có sổ mục kê. Tài liệu quản lý chủ yếu qua báo cáo tổng hợp hằng năm, trên hợp đồng đấu giá, hợp đồng thuê thầu (từ năm 2010 trở lại đây); còn lại thể hiện trên bản đồ dồn điền đổi thửa, bản đồ 299, danh sách giao đất cho các hộ dân sử dụng từ giai đoạn trước năm 2000 đến nay.

Trong khi đó, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, năng lực, trách nhiệm của một số lãnh đạo và công chức chuyên môn còn hạn chế; chưa có thể chế khi nghỉ chế độ hoặc chuyển công việc phải bàn giao hồ sơ tài liệu.

[Hà Nội: Sửa đổi bảng giá các loại đất áp dụng từ ngày 1/1/2020]

Đất công ích nằm rải rác ở các xứ đồng, diện tích nhỏ, manh mún, việc đi lại và điều kiện canh tác khó khăn nên nhiều nơi bị bỏ hoang hóa. Nhiều thửa đất hết hạn hợp đồng nhưng chưa thanh lý, bàn giao mặt bằng cho xã, phường quản lý, các hộ dân tiếp tục sử dụng không chấp hành nghĩa vụ tài chính dẫn đến thất thoát ngân sách. Do hợp đồng cho thuê đất không chặt chẽ nên nhiều hộ dân sử dụng thời gian dài đã xây nhà kiên cố, chuồng trại, trồng cây lâu năm…

Công tác đấu giá cho thuê đất công ích còn chậm do các thửa đất chủ yếu là đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa, không thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, quỹ đất công ích trước đây nằm xen kẹt trong thửa đất được giao theo Nghị định 64/CP nên không xác định được vị trí, ranh giới do Nhà nước quản lý với đất được giao cho người dân trên thực địa.

Đến nay, vẫn chưa có phương án quy tụ về một khu đối với các xã sau khi dồn điền đổi thửa; một số nơi không dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai.

Một số dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của các hộ dân (đã được Ủy ban Nhân dân thị xã phê duyệt dự án có thời gian thực hiện dự án từ 20-30 năm) có diện tích đất công ích nên khi đấu giá quyền sử dụng đất công ích 5 năm/1 kỳ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Những dự án triển khai được hơn 10 năm vẫn chưa thu kinh phí vào ngân sách (cụ thể là 7 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sử dụng 30.651m2 đất công ích tại 5 xã, phường: Trung Hưng, Viên Sơn, Cổ Đông, Sơn Đông, Đường Lâm).

Thường trực Hội đồng Nhân dân thị xã Sơn Tây chỉ rõ tình trạng ao hồ bị san lấp, lấn chiếm còn nhiều, trong đó có rất nhiều ao, hồ nằm trong danh mục không được san lấp theo quy định của thành phố.

Các ao, hồ này trước đây giao cho các hộ dân thuê thầu nuôi trồng thủy sản, các xã phường chủ yếu chỉ đôn đốc các hộ thuê thầu nộp sản lượng hàng năm, hết thời hạn lại xem xét tiếp tục giao thầu. Do đó, nhiều ao, hồ đã giao cho các hộ sử dụng liên tục từ 20-30 năm, hiện không còn nguyên trạng, đã bị san lấp làm nhà ở, chuồng trại, trồng cây lâu năm...

Ngăn chặn vi phạm phát sinh, xử lý dứt điểm tồn tại

Xác định nhiệm vụ quản lý đất đai khó và phức tạp, hệ thống pháp luật thường xuyên thay đổi và có nhiều bất cập, chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của thực tiễn, Thường trực Hội đồng Nhân dân thị xã Sơn Tây cho rằng nhận thức của cán bộ, công chức còn có cách hiểu chưa thống nhất, dẫn đến khi thống kê, quản lý, sử dụng khác nhau, chưa đồng bộ.

Trong khi đó, việc chấp hành quy định về thuê đất công ích chưa đảm bảo, vượt thời hạn quy định chủ yếu do các hợp tác xã nông nghiệp, thôn, tổ dân phố của các xã, phường ký cho thuê, giao thầu dẫn đến khó khăn trong quản lý, thanh lý, bàn giao mặt bằng khi hết hạn hợp đồng, không thu tiền sử dụng đất; nhiều vi phạm tồn tại hàng chục năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Đáng chú ý, nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ nên khi được thuê đất công ích đã xây dựng công trình trên đất, trồng cây lâu năm, đến thời hạn thanh lý hợp đồng thì yêu cầu bồi thường tài sản và hoa màu trên đất mới làm thủ tục bàn giao.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ, bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn bị buông lỏng, không thiết lập hồ sơ quản lý đến từng thửa đất, dẫn đến việc người dân vi phạm, lấn chiếm và tự ý làm thay đổi mục đích sử dụng đối với quỹ đất này. Thậm chí, vẫn còn nhiều đơn vị giao cho các hợp tác xã, thôn, tổ dân phố quản lý quỹ đất công ích chưa đảm bảo theo quy định.

Hà Nội: Vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất công ích ở Sơn Tây ảnh 2Một góc thị xã Sơn Tây. (Nguồn: Bộ Xây dựng)

Năm 2013, mặc dù Ủy ban Nhân dân thị xã đã ban hành các kết luận thanh tra về quản lý đất công ích nhưng đến nay vẫn còn đơn vị chưa thực hiện kết luận sau thanh tra. Việc kiểm kê, thống kê đất công ích hàng năm chưa phản ánh đúng thực trạng, lấy số liệu báo cáo của năm trước để làm căn cứ báo cáo cho các năm sau.

Đặc biệt, việc xử lý vi phạm chưa được kịp thời, dứt điểm; nhiều vi phạm phát sinh từ lâu qua nhiều năm, cũng như các vi phạm mới phát sinh không cương quyết xử lý ngay từ khi có hành vi vi phạm dẫn đến số vụ vi phạm ngày càng tăng, khó giải quyết, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý đất đai nói chung, đất công ích trên địa bàn thị xã nói riêng.

Để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ yêu cầu Ủy ban Nhân dân thị xã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã, phường thực hiện việc rà soát, kiểm kê trên thực địa và hồ sơ địa chính; thống kê, thiết lập hồ sơ quản lý và có biện pháp quản lý, phương án khai thác và sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích tại từng xã, phường; thực hiện công khai đến từng thửa đất, từng vị trí đất công ích để nhân dân biết và giám sát.

Ủy ban Nhân dân thị xã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã, phường đẩy nhanh tiến độ đấu giá cho thuê đất công ích đối với các thửa đã đủ điều kiện; từng bước tháo gỡ khó khăn đối với các thửa đất còn vướng mắc về mặt bằng nhất là các ao, hồ, đầm phục vụ nuôi trồng thủy sản; các thửa đất công ích có diện tích lớn, vị trí thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp...

Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã hướng dẫn các xã, phường có giải pháp quản lý loại đất công ích 5% nằm xen trong các thửa đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/NĐ-CP cho các hộ dân, chưa xác định được mốc giới giữa đất công và đất đã giao cho hộ dân để có biện pháp quản lý thuận lợi theo hướng quy tụ về một khu nhất định.

Các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý, sử dụng đất công ích; có biện pháp xử lý với tập thể, cá nhân vi phạm; thanh tra các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của các hộ dân có sử dụng đất công ích cũng như kiểm tra việc thực hiện sau kết luận thanh tra từ năm 2013.

Đặc biệt, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân các xã, phường phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chuyên đề về lĩnh vực quản lý đất đai, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, hàng năm của cấp ủy các cấp; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; có biện pháp cụ thể xác lập quyền quản lý của chính quyền đối với phần diện tích thuộc quỹ đất công ích nhưng trước đây chưa quản lý trên thực tế.

Các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ dân được thuê đất công ích khai thác và sử dụng đất hợp lý, hiệu quả để tăng nguồn thu cho người thuê, cũng như có điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, tránh để bỏ hoang, gây lãng phí.

Ủy ban Nhân dân các xã, phường phải có phương án, lộ trình xử lý dứt điểm các trường hợp cho các hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng sai mục đích; thực hiện đúng phương thức, thời hạn, đối tượng, xác định nghĩa vụ tài chính của người thuê đất, từ đó kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiên quyết xử lý các vi phạm phát sinh, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục