Tại buổi thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 24/5, Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị thành phố cho biết một số dự án trọng điểm đang bị vướng mặt bằng, có thể gây chậm tiến độ công trình so với kế hoạch đề ra.
Điển hình như dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng, có chiều dài 1.980m, rộng 14m được xây dựng từ năm 2011. Dự án này chạy qua quận Đống Đa và Thanh Xuân, liên quan đến giải phóng mặt bằng của hơn 600 hộ dân.
Đến thời điểm này, trên địa bàn quận Đống Đa còn 335/454 hộ dân phải di dời dành đất cho công trình. Từ việc khó khăn giải phóng mặt bằng, khiến dự án này phải xin Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gia hạn hoàn thành đến cuối năm 2016.
Cùng với đó, đường đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì với tuyến đường sắt Bắc Sông Hồng-Văn Điển (Đông Anh) cũng đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân của việc chậm giải phóng được Ban quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội nhận định do khó khăn trong xác định nguồn gốc đất, giá đền bù, vị trí tái định cư.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chậm giải phóng mặt bằng, dẫn đến nguồn vốn của công trình bị tăng lên so với dự toán, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội khẳng định khó có thể xảy ra đội vốn. "Công trình đã được đấu thầu trọn gói, chủ đầu tư cũng quản lý chặt, không tính chi phí phát sinh, trong quá trình triển khai dự án, nên không ảnh hưởng đến nguồn vốn xây lắp," ông Nguyễn Ngọc Tường nói.
Cho biết quan điểm của thành phố về việc đền bù đất, bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng nói chung, ông Trần Xuân Hà, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh thành phố sẽ thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, pháp luật về đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình vận dụng chính sách, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện theo hướng có lợi cho người dân đã dành đất cho công trình.
Theo đánh giá của ông Trần Xuân Hà, các công trình giao thông, xây dựng đã và đang triển khai trên địa bàn, giúp cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, to đẹp hơn. Nhưng đi kèm với đó, có một số hộ dân phải di dời chỗ ở để dành đất cho công trình. Điều này, ít nhiều dẫn đến sự xáo trộn đời sống của người dân, nhưng vì mục tiêu chung phát triển Thủ đô, nên rất cần sự chung tay, đồng thuận của người dân trong thực hiện chính sách của nhà nước về đền bù, giải phóng mặt bằng, để dự án được triển khai đúng tiến độ, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố./.