Hà Nội: Vốn thực hiện các công trình đầu tư công tăng cao

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong 7 tháng qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 30.700 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dự án mở rộng đường Âu Cơ-Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đoạn từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân dài 3,7km. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội tập trung và ưu tiên cao độ trong việc triển khai thi công các công trình trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển hạ tầng, giao thông cho Thủ đô Hà Nội những năm tới. Nhờ vậy, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong năm nay được các chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công tập trung triển khai nên khối lượng thực hiện tăng cao.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong 7 tháng qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 30.700 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 37% kế hoạch năm 2024; trong đó ngân sách nhà nước cấp thành phố 11.900 tỷ đồng, tăng 18,4% và đạt 32,9%; ngân sách nhà nước cấp huyện 17.4000 tỷ đồng, tăng 37,4% và đạt 40,1%; ngân sách nhà nước cấp xã 1.400 tỷ đồng, tăng 60,4% và đạt 41,5%.

Một số dự án quan trọng phải kể đến như Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12.600 tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 9,9%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ-Nguyễn Chí Thanh.

Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh-La Thành-Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó, chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 34,1% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng, trong đó trên 5.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2.900 tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị, đến nay dự án đã giải ngân 7,7% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình có chiều dài 6,7km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc-Hòa Bình. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 7,7% kế hoạch vốn.

Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, đến nay dự án đã giải ngân 57,3% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024.

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 77,2% kế hoạch vốn. Dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong quý 3 năm 2024.

Thành phố Hà Nội đang chú trọng vào việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các trình tự, thủ tục đầu tư, giúp đỡ tối đa cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công giảm bớt các chi phí phát sinh và thời gian chờ đợi. Đặc biệt, những dự án như đường Vành đai 4 đang được cả hệ thống chính trị, các sở ngành, quận huyện vào cuộc quyết liệt nên tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu đều vượt tiến độ. Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ nước rút để chuẩn bị thông xe, khánh thành tuyến đường.

Hà Nội cũng thống nhất chuẩn bị đưa đoạn đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành thương mại. Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện và thống nhất đưa đoạn tuyến trên cao dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành thương mại trong thời gian tới.

Thành phố cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa Dự án mở rộng đường Âu Cơ-Nghi Tàm (Hà Nội) đang dần hoàn thiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị thông xe, khánh thành tuyến đường trong những ngày tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục