Ngày 19/12, tại phiên họp giải trình về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn thành phố nói chung và các tuyến sông Hồng, sông Đuống nói riêng đã được thành phố và các quận, huyện, thị xã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và có nhiều kết quả, chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như một số quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết tiến độ còn chậm, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng cho nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, một số dự án khu vực bãi sông ngoài đê gồm cả vốn đầu tư công và ngoài ngân sách chậm tiến độ, hoặc chưa được quan tâm, cân đối bố trí vốn hiệu quả. Số lượng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, hành lang thoát lũ còn nhiều.
Qua khảo sát của các Ban của Hội đồng Nhân dân thành phố, vẫn còn tồn tại một số điểm các hộ dân lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, thậm chí xây nhà trên cơ đê. Công tác quản lý, cấp phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ khu vực ngoài đê tại một địa bàn còn vướng mắc, khó khăn.
Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm còn chưa thường xuyên, chưa xử lý, giải quyết triệt để. Số liệu quản lý về cấp phép, xử lý vi phạm theo kế hoạch, kết luận của thành phố giữa quận huyện, thị xã và các sở, ngành còn có sự chênh lệch, chưa chính xác.
Tiến độ cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê còn chậm, nhiều quận, huyện còn chưa hoàn thành, thậm chí chưa cắm mốc giới (Phúc Thọ, Ba Đình, Tây Hồ). Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo rà soát lại công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi đê, ngoài đê trên địa bàn thành phố, thống nhất, chuẩn xác lại số liệu báo cáo của các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề án để tăng cường công tác quản lý hiệu quả khu vực ngoài đê, bãi sông, trong đó trước mắt là sông Hồng và sông Đuống.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở ngành tập trung, khẩn trương tham mưu trình Hội đồng Nhân dân thành phố các nội dung triển khai thi hành Luật Thủ đô liên quan đến công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, thực hiện dự án, trật tự xây dựng vùng bãi sông, bãi nổi ngoài đê theo Kế hoạch của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố; tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, phân khu sông Đuống phù hợp với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô; tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng;...
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Sở Xây dựng cần nghiên cứu, đánh giá việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông trên địa bàn thành phố, làm cơ sở hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện việc cấp phép xây dựng (các chỉ tiêu tầng cao, diện tích xây dựng...) đảm bảo các quy định về phòng chống lũ và quy hoạch đê điều; Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, quy định để thu hút, xúc tiến, kêu gọi đầu tư đối với các dự án ngoài ngân sách khu vực bãi sông, ngoài đê...
Đối với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư dự án, trật tự xây dựng, đặc biệt là các khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm, kiên quyết không để vi phạm mới; đẩy nhanh công tác lập thẩm định và trình phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện, rà soát đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết các khu vực dân cư hiện có, khu vực được phép nghiên cứu xây dựng ngoài bãi sông chưa được phê duyệt và các dự án đầu tư xây dựng tại khu vực.
Đáng chú ý, 13 quận, huyện nằm trong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống khẩn trương lập quy hoạch chi tiết theo quy hoạch phân khu. Lập ranh giới 1/500 các khu dân cư hiện hữu theo nhiệm vụ được quy định tại Quyết định 1045/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố để quản lý, thực hiện dự án, và cấp phép xây dựng theo quy định; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành trật tự xây dựng theo quy hoạch, không lấn chiếm đất đai hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, hành lang thoát lũ.
Tại phiên giải trình, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đặt vấn đề, tại sao Quyết định số 1045, 1046/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống tỷ lệ 1/5000 giao cho Ủy ban Nhân dân 13 quận, huyện đã ban hành được gần 3 năm, nhưng chậm; tình hình triển khai nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan, đập Long Tửu; tình trạng xây dựng công trình nhà ở ngay trên mặt đê, giáp cơ đê, giáp bờ sông (như thôn Tân Phong 3, xã Phong Vân, huyện Ba Vì); xã Trung Châu (đường Hữu Trung), huyện Đan Phượng)… thuộc trách nhiệm cơ quan nào; các giải pháp để xử lý và đến bao giờ có thể giải quyết được tình trạng này?...
Theo đó, giám đốc các sở như quy hoạch, kiến trúc; xây dựng... và các Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, cùng các đơn vị liên quan đã tham gia giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố, khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng và sông Đuống đoạn đi qua thành phố Hà Nội có tổng diện tích khoảng 23.551ha, thuộc 17 quận, huyện và thị xã Sơn Tây, liên quan đến khoảng 363.987 nhân khẩu; trong đó, tuyến sông Hồng có khoảng hơn 339.000 người, gồm 86.056 hộ dân; tuyến sông Đuống có 24.585 nhân khẩu, với 6.022 hộ gia đình.
Tổng chiều dài tuyến đê sông Hồng đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội dài 130km (trong đó tuyến đê phía bờ hữu dài 114,089km, phía bờ tả dài 48,781km). Tổng chiều dài tuyến đê Sông Đuống đoạn qua địa bàn thành phố dài 22km (trong đó đê phía bờ hữu dài 21,5km, phía bờ tả dài 22,5km)./.
Đê điều - Thành trì vững chắc phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão
Đê điều được ví như "Thành trì vững chắc" bảo vệ sản xuất, cuộc sống của cộng đồng trước thiên tai nên công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu và bảo dưỡng hệ thống đê luôn được quan tâm.