Để công tác quản lý khoáng sản đi vào nề nếp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên toàn địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác quản lý khoáng sản vẫn còn kém hiệu quả, tại một số nơi còn tái diễn tình trạng khai thác trái phép.
Tự ý chuyển nhượng, khai thác tự do
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mặc dù chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhận chuyển nhượng mỏ đá tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, nhưng năm 2013, Công ty liên doanh Sungei Way Hà Tây đã ký Hợp đồng chuyển quyền khai thác khoáng sản cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Vật liệu xây dựng Hà Tây.
Đến nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Vật liệu xây dựng Hà Tây đã trực tiếp quản lý điều hành hoạt động của mỏ, lập bản đồ hiện trạng mỏ và đang tiến hành hoạt động khai thác với sản lượng tính từ đầu năm 2014 đến nay đạt hơn 350.000 tấn.
Quá trình kiểm tra doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang trên diện tích khoảng 24ha đất bãi nổi sông Hồng thuộc xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, đoàn kiểm tra cũng xác định một số sai phạm liên quan đến hoạt động tiếp cận mỏ.
Cụ thể, tuy chưa được thuê đất và chưa được bàn giao mặt bằng theo quy định, nhưng từ đầu năm 2014 doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang đã thực hiện việc khai thác cát để làm đường vận chuyển lên đê và đã tiến hành khai thác phục vụ sản xuất kinh doanh.
Về việc này, đoàn kiểm tra đã yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt mọi hoạt động khai thác, khẩn trương thực hiện hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai và những nội dung khác quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư, sau đó mới được phép hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.
Tương tự, qua kiểm tra Công ty Cổ phần Khoáng sản và Cơ khí (được phép khai thác than bùn trên diện tích 30 ha, tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức) đoàn kiểm tra xác định, mặc dù từ năm 2013 đến nay công ty này ngừng hoạt động khai thác, tuy nhiên đã để cho cá nhân khác tự ý khai thác trên mỏ với khoảng 4.000m3.
Tại huyện Phúc Thọ, kết quả kiểm tra Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Kim Thanh (được phép khai thác cát san lấp trên tổng diện tích khoảng 100ha bãi nổi sông Hồng) cho thấy, mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu công ty phải thực hiện việc đưa đất đai vào sử dụng và nộp tiền thuê đất theo quy định, nhưng tại thời điểm kiểm tra, công ty vẫn chưa thực hiện.
Trong khi đó, hiện trạng trên diện tích Mỏ có một phần diện tích đất bị chiếm dụng trồng chuối từ cuối năm 2013. Trong năm 2014 Công ty đã thực hiện san gạt để làm đường nội bộ và dựng nhà tạm để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ mặt bằng.
Siết chặt hoạt động quản lý, xử lý vi phạm
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết để khắc phục những tồn tại nêu trên, đơn vị này đã đề xuất các biện pháp siết chặt hoạt động quản lý và xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản đối với các công ty, doanh nghiệp trên toàn địa bàn lên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đất đai, khoáng sản, môi trường, thuế và pháp luật có liên quan trong hoạt động khoáng sản; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Song song với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền thuê đất với Nhà nước đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản.
Riêng Công ty liên doanh Sungei Way Hà Tây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu công ty này phải hoàn thiện các thủ tục về chuyển quyền khai thác khoáng sản trong thời hạn đến hết tháng 3/2015.
Tuy nhiên, "chỉ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì đơn vị nhận chuyển quyền mới được thực hiện các thủ tục phục vụ cho hoạt động khai thác mỏ và đưa mỏ vào hoạt động. Nếu các đơn vị vi phạm quy định trong hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, thì sẽ thanh tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật,” ông Hùng nói.
Đối với các doanh nghiệp khác như Doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng thực hiện kiểm tra, để xử lý theo thẩm quyền đồng thời báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và đề xuất xử lý vi phạm nếu vượt thẩm quyền../.