Hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ hoàn thành hơn 600km đường sắt đô thị đến năm 2035.
Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 28/12, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn được xác định là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra, trong đó việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là xương sống của vận tải hành khách công cộng.
Theo quy hoạch hiện nay thành phố Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8km (trong đó 75,6 km đi ngầm), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỷ USD.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thừa nhận thực tế hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến 3 đoạn Nhổn-Ga Hà Nội), theo đó để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm tới (đến năm 2035) kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ USD (tương đương khoảng 850.000 tỷ đồng).
Để triển khai nhiệm vụ này, theo ông Tuấn, Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện hoàn thành Luật Thủ đô sửa đổi; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức triển khai ngay việc lập, trình thẩm định phê duyệt điều chỉnh Đồ án quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch và làm cơ sở cho việc định hướng phát triển ngành.
Thành phố cũng khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, để thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị (cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội vào năm 2035).
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý, phát triển giao thông đô thị (triển khai hệ thống giao thông thông minh); ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn; xây dựng hệ thống bản đồ số trực tuyến; hệ thống vé thông minh (Smartcard), vé liên thông đa phương thức các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Nhật Bản tài trợ thêm 7.000 tỷ đồng cho Dự án Đường sắt Đô thị số 1 TP.HCM
Đây là khoản vay tiếp nối lần thứ 4 trị giá 41.223,7 triệu yên (7.000 tỷ đồng) sau 3 khoản vay vào các năm 2007, 2012 và 2016 theo Chương trình Chính phủ Nhật Bản cam kết tài trợ cho Dự án.
Đưa ra nhiệm vụ trước mắt, ông Tuấn cho rằng Hà Nội tiếp tục tập trung cân đối nguồn lực từ ngân sách thành phố để đầu tư, bên cạnh đó để đảm bảo có đủ nguồn lực đầu tư cần xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch bao gồm: vốn từ ngân sách, vốn vay ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng như ngân hàng; huy động nguồn vốn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT ..), xã hội hóa đầu tư.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù riêng về huy động nguồn lực cho đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, trong đó có việc triển khai xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (Transit Oriented Development) khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị... để tạo nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng, quản lý khai thác vận hành các tuyến đường sắt đô thị.
Tại phía Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết hiện tại, thành phố đang tập trung quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị. Bên cạnh cơ chế được cho phép tại Nghị quyết 98 của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tập trung xây dựng đề án phát triển kết cấu đường sắt đô thị đến năm 2035 với mục tiêu hoàn thành 200km.
“Luật Đường sắt sửa đổi khi được cập nhật nội dung liên quan đến đường sắt đô thị sẽ là cơ sở quan trọng để định hướng cho mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phát triển,” ông Cường khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, hệ thống đường sắt đô thị bắt đầu hình thành như tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-Ga Hà Nội, Bến Thành-Suối Tiên. Hệ thống đường sắt quốc gia được cải tạo, nâng cấp về chất lượng, năng lực quản lý. Đây là những tiền đề cho ngành giao thông đầu tư đồng bộ, hiện đại cho tuyến đường sắt tốc độ cao thời gian tới.
“Bộ Xây dựng thường xuyên phối hợp với ngành giao thông trong công tác quản lý Nhà nước, quản trị tại các dự án đầu tư của ngành giao thông như hệ thống đường sắt đô thị, cụm cảng hàng không, công tác quản lý nhà nước, quản trị dự án, quản lý kỹ thuật, tiêu chuẩn, nghiệm thu, đơn giá... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả," Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nói./.