Hà Nội: Từ 'di sản' công nghiệp thành không gian sáng tạo

Di dời các cơ sở sản xuất, biến nhà máy cũ thành không gian công cộng, không gian sáng tạo được coi là nhu cầu rất lớn với Hà Nội, song câu chuyện quy hoạch vẫn còn nhiều điều cần thảo luận thêm.
L'Espace là một không gian văn hóa được cải tạo từ nhà in của báo Nhân Dân ngày xưa. (Ảnh: Viện Pháp tại Hà Nội)
L'Espace là một không gian văn hóa được cải tạo từ nhà in của báo Nhân Dân ngày xưa. (Ảnh: Viện Pháp tại Hà Nội)

Trong khuôn khổ cuộc thi "Thiết kế không gian sáng tạo" do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, tạp chí Kiến Trúc và nhóm "Vì một Hà Nội đáng sống" tổ chức, vấn đề chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi với nhiều quan điểm.

Thành phố Hà Nội đã và đang từng bước triển khai Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện Quyết định 130/QĐ-TTg năm 2015 của TTCP về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học... Theo đó thành phố Hà Nội đã rà soát và lập danh mục gần 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp di dời ra khỏi nội thành. 

Tuy nhiên, mặc dù đã có chỉ đạo từ chính phủ về việc ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời cho các chức năng phục vụ công cộng như không gian mở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nhưng trên thực tế hầu hết các nhà máy cũ được biến đổi thành chung cư thương mại. 

Thuộc mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội một lần nữa thể hiện nhu cầu cấp bách với các không gian sáng tạo trong thành phố. 

Nhà máy cũ và cơ hội trở thành các không gian sáng tạo

Ở Việt Nam năm 2013, “hợp tác xã nghệ thuật” Zone 9 kết hợp nhiều không gian cafe, bar, nhà ăn... đã hình thành từ việc cải tạo khai thác một cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2.

Với diện tích khu đất rộng hơn 11.000m2, không gian này từng “khuấy đảo” giới trẻ năng động và cá tính bấy giờ. Không may, Zone 9 đã phải đóng cửa sau một vụ hỏa hoạn cùng năm.

Hà Nội: Từ 'di sản' công nghiệp thành không gian sáng tạo ảnh 1Một góc Zone 9 khi xưa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau đó là sự ra đời của không gian Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên), sử dụng toà nhà Kim khí Thăng Long với mô hình có phần giống Zone 9. Chính Trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội L’Espace (24 Tràng Tiền) cũng là một bằng chứng về việc chuyển đổi một nhà máy cũ (xưởng in của báo Nhân Dân) từ thời Pháp thành không gian văn hóa. 

”Những nhà máy có không gian lớn, cả trong nhà lẫn ngoài trời, dễ sử dụng, thích hợp cho những sự kiện quy mô lớn, và có thể ngăn chia linh hoạt," tiến sỹ Trương Ngọc Lân, giảng viên trường Đại học Xây dựng nhận định.

"Không gian chính là chất kích thích, tác động vào thị giác, tạo sự cuốn hút và cảm xúc cho sáng tạo,” ông cho biết. Các nhà máy với những giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hoá luôn tạo ra những cảm xúc đặc biệt, cuốn hút. 

Thêm vào đó nhà máy thường có sẵn kiến trúc, khung công trình, dễ sửa chữa, không cần thay đổi nhiều, chi phí thấp, vị trí ở gần trung tâm, thu hút cộng đồng cũng chính là các lý do các nhà sáng tạo bị thu hút đến vậy.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng đưa ra khái niệm mới về Di sản công nghiệp và các hoạt động bảo tồn các di sản công nghiệp trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á. 

Hà Nội: Từ 'di sản' công nghiệp thành không gian sáng tạo ảnh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thúy Loan. (Ảnh: Tạp chí Kiến trúc)

“Dưới góc nhìn di sản, các nhà máy cũ nếu đã loại bỏ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, thì không hẳn trở thành các ứ tồn đô thị cần phải đập bỏ, thay thế. Chúng ta hoàn toàn có thể bảo tồn, cải tạo, tái sử dụng thích nghi chúng thành các trung tâm văn hoá, nghệ thuật, các tổ hợp sáng tạo, khởi nghiệp như kinh nghiệm ở rất nhiều nơi trên thế giới,” bà Loan nói rõ.

Cần rõ ràng trong quy hoạch và thực thi quy hoạch

Về chủ trương lớn trong việc di chuyển hoạt động sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm và chuyển đổi quỹ không gian hậu công nghiệp sang mục đích phục vụ công cộng, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thúy Loan đánh giá là rất tốt.

Tuy nhiên trên thực tế triển khai thì không được như những gì đã nêu trong các văn bản pháp lý vĩ mô.

Cụ thể là từ năm 2011, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã khẳng định sẽ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại vi thành phố. Quỹ đất sau di dời sẽ được dùng vào các công trình, cơ sở hạ tầng công cộng chứ không xây dựng chung cư cao tầng, theo quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ năm 2015. Bên cạnh đó, những công trình có giá trị kiến trúc sẽ phải được bảo tồn, tôn tạo và khai thác. 

Song thực trạng chuyển đổi từ thời đó đến nay chưa chứng tỏ mục tiêu phục vụ công cộng. Số liệu từ kết quả khảo sát của PPWG (nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân), tính đến tháng 8/2020, ở quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng đã có 21/39 nhà máy đã thực hiện chuyển đổi.

Hà Nội: Từ 'di sản' công nghiệp thành không gian sáng tạo ảnh 3Ông Nguyễn Đức Hùng (cầm mic), Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội trong một tọa đàm thuộc khuôn khổ cuộc thi. (Ảnh: Tạp chí Kiến trúc)

Thế nhưng, trong đó có 19 nhà máy trở thành chung cư thương mại, chiếm tới 84% tổng diện tích quỹ đất, chỉ có 1 nhà máy nhường chỗ cho trường học tư nhân và 1 bị dẹp bỏ để phục vụ xây dựng đường trên cao.

Theo danh sách từ thành phố cuối năm 2019, Hà Nội có 92 cơ sở công nghiệp trên địa bàn nội thành cần phải di dời. “Đây là những quỹ đất trống cuối cùng của thành phố. Nếu không nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi các cở sở công nghiệp thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo thì có lẽ chúng ta sẽ mất cơ hội mãi mãi” bà Phạm Thúy Loan khẳng định.

Từ phía Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Phó viện trưởng Nguyễn Đức Hùng cho biết viện sẵn sàng cung cấp thông tin về 10 nhà máy chuẩn bị di dời. Tuy nhiên để thông tin một cách chính tắc cho một cuộc thi thì đây sẽ là trách nhiệm và quyền của Sở Quy hoạch Kiến trúc, trong đó sẽ nói cụ thể về vị trí, diện tích, môi trường xung quanh như thế nào…

Bà Phạm Thúy Loan đưa đến nhiều kiến nghị, trong đó có đề nghị các cơ quan chức năng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện chủ trương di dời và tái phát triển để ưu tiên phát triển không gian công cộng; rà soát và phê duyệt các công tình kiến trúc có giá trị hạng mục công nghiệp.

Bàcũng kiến nghị thành phố cần nghiên cứu các mô hình chuyển đổi nhà máy sang không gian sáng tạo-không gian công cộng để áp dụng thực tế, phối hợp các bên liên quan để thí điểm các mô hình chuyển đổi một phần hoặc toàn phần trong năm 2021-2022.

Ngoài ra, cần mở rộng khái niệm ‘chức năng công cộng’ để mở ra cơ hội cho mô hình không gian sáng tạo.../.

Cuộc thi do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), “Mạng lưới” Vì một Hà Nội đáng sống và Uỷ ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm thực hiện. Thời điểm thí sinh có thể gửi dự thi là 17 giờ ngày 22/3/2021.

Thísinh tham gia cần mang các ý tưởng xây dựng, cải tạo những khu chung cư cũ (khu tập thể), khu đô thị mới, khu nhà ở xã hội, nhà máy, xí nghiệp, nhà kho, các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống, các khu di tích lịch sử… thành những không gian sáng tạo, không gian công cộng để đưa vào khai thác.

Tổng giá trị giải thưởng lên tới 330 triệu đồng.

Thể lệ đầy đủ của cuộc thi có tại website của Tạp chí kiến trúc: www.tapchikientruc.com.vn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục